Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 14:11
Thứ ba, 26/09/2023 05:09
TMO - Nhằm tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường cho nông sản, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đồng thời thực hiện cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương.
Yên Bái là tỉnh có nhiều thế mạnh về mặt hàng nông sản như: chè, cam, quế, miến đao… Tuy nhiên, trước đây người nông dân vẫn chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, không chú trọng đến việc xây dựng và quảng bá nên các sản phẩm được ít người biết đến, đầu ra thị trường không ổn định.
Trước thách thức về thị trường tiêu thụ cho nông sản của địa phương, tỉnh Yên Bái tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thương mại điện tử mở rộng đầu ra cho nông sản. Công tác xúc tiến thương mại đã góp phần đưa các sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh Yên Bái vươn xa như: Miến đao Giới Phiên, măng nứa rừng khô, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy; cá sấy, cá hồ Thác Bà, chả cá, mật ong các loại, gạo nếp Tú Lệ, măng khô, miến, bún khô, mộc nhĩ, các loại tinh dầu, quế vỏ, trà quế, khoai Lục Yên, lạc đỏ, dầu lạc Lục Yên...
Sở Công Thương tỉnh đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản tại các địa phương.
Sở Công Thương tỉnh đã hoàn thành kế hoạch tư vấn, hỗ trợ cho 27 doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử. Song song với đó, duy trì hoạt động của Sàn thương mại điện tử Yên Bái tại địa chỉ sctyenbai.com. Đến thời điểm hiện tại có gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm chào bán trên sàn; phối hợp với các doanh nghiệp đăng tải gần 200 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử www.voso.vn và www.postmart.vn.
Đồng thời, tạo mã QR mua bán trực tuyến cho 183 sản phẩm OCOP của tỉnh để giới thiệu, bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh và các hội nghị kết nối cung cầu. Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp với đơn vị chuyên môn kết nối link đăng tải 90 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử www.voso.vn; phối hợp với Bưu điện tỉnh kết nối link đăng tải 65 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử www.postmart.vn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử Yên Bái, trên các sàn thương mại điện tử khác như Lazada, Amazon, Alibaba...
Các hội nghị trực tuyến kết nối các điểm cầu nước ngoài đã kết nối với khách hàng và bán được sản phẩm trên các thị trường nước ngoài như: chè, quế, khoáng sản sang Ấn Độ; măng, đũa gỗ sang Nhật Bản; gỗ, bột đá sang thị trường Hàn Quốc; sản phẩm chè, quế, tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc. Năm 2023, tỉnh Yên Bái đã được Bộ Công Thương phê duyệt 2 đề án xúc tiến thương mại và thương mại điện tử với tổng kinh phí là 825 triệu đồng; được UBND tỉnh phê duyệt tổng kinh phí xúc tiến thương mại gần 2 tỷ đồng.
Do đó, thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ công tác, tổ giúp việc tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mặc trong quá trình triển khai các dự án điện trên địa bàn tỉnh.
Địa phương này tăng cường giám sát, kiểm soát, cấp mã số vùng trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm tại các vùng sản xuất.
Nếu nền tảng thương mại điện tử hỗ trợ hiệu quả mở rộng thị trường thì mã số vùng trồng lại coi là một điều kiện quan trọng để tăng sức cạnh tranh cũng như đưa nông sản Yên Bái có cơ hội đáp ứng yêu cầu cao của thị trường quốc tế. Mã số vùng trồng được coi là "tấm vé thông hành” của nông sản. Bởi khi được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ có điều kiện thuận lợi để đến với các thị trường xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Xác định việc cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đang tập trung đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là hỗ trợ nông dân thực hiện cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, năm 2022, ngành đã thiết lập 37 mã số vùng trồng chè phục vụ xuất khẩu đi các nước như: Mỹ, Ấn Độ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Uzbekistan cùng nhiều nước châu Âu khác với diện tích 294 ha và cấp được 13 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa với diện tích 35 ha. Năm 2023, dự kiến ngành sẽ cấp mã số cho 35 vùng trồng với diện tích trên 450 ha trên các đối tượng cây trồng như bưởi, thanh long, lúa, rau và một số cây trồng dùng làm dược liệu.
Để khuyến khích việc đăng ký cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh, vừa qua, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 quy định nội dung, mức hỗ trợ một số nội dung chi sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã vùng trồng cho các cá nhân, tổ chức với mức hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng cho vùng trồng phục vụ xuất khẩu; 20 triệu đồng cho vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chủ lực, tối đa 10 triệu đồng/sản phẩm.
Bên cạnh những thuận lợi khi triển khai, việc cấp mã số vùng trồng trên địa bàn cũng gặp những khó khăn nhất định như quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; không đồng nhất trong từng vùng trồng; nhận thức của người sản xuất về mã số vùng trồng và lợi ích của nó mang lại còn khá mơ hồ. Ngoài ra, khi vùng trồng được cấp mã số thì người sản xuất trực tiếp phải cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu để quản lý (mùa vụ, các tác động vào vùng trồng, thu hoạch, năng suất...), trong khi kiến thức, trình độ của người sản xuất ở nhiều nơi, nhiều vùng chưa thể làm ngay được.
Hoàng Phương
Bình luận