Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ bảy, 29/01/2022 18:01
TMO - Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tháng 01/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó tại cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 1/2022 nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,5%; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,7%; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 0,9%.
Cùng với đó, ước tính tháng 01/2022 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 29,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 01/2022 có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD.
Đối với thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với mức xuất siêu sang EU ước đạt 2,1 tỷ USD. EU cũng là khu vực thị trường lớn duy nhất có xuất siêu. Kết quả này là nhờ lực đẩy rất lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Tiếp theo là các thị trường như Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản.
Ảnh minh họa
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình thực thi các FTA trong 2 năm gần đây đạt kết quả tích cực. Nguyên nhân ngoài việc thị trường nước ngoài phục hồi, cầu tiêu dùng phục hồi lại, còn là việc thực thi khá hiệu quả các FTA, đặc biệt FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng rõ nét, nhiều nước tập trung phát triển sản xuất, thương mại nội địa. Xung đột thương mại vẫn là nguy cơ trên toàn cầu.
Theo đó, trong năm 2022, cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước. Cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu không chỉ theo hướng thúc đẩy xuất khẩu mà cần gắn xuất nhập khẩu với phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
Các chính sách cũng phải đề ra giải pháp cho các vấn đề nóng, các mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục đảm bảo việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản nội luật hoá các cam kết quốc tế có tiến độ và chất lượng. Trong công tác tham mưu cần chú trọng tính kịp thời, tính dự báo, tăng chất lượng tham mưu, đưa ra các giải pháp khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các cam kết quốc tế; thông tin cho doanh nghiệp về những cơ hội thị trường, phương hướng chung là hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh, đủ sức hội nhập với khu vực và thế giới.
Hoài Dương
Bình luận