Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ ba, 12/04/2022 21:04
TMO - Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay nhu cầu nhập khẩu sắn và tinh bột sắn đang tăng cao từ thị trường Trung Quốc.
Do nhu cầu tăng cao nên từ cuối tháng 3, giá sắn lát có xu hướng tăng trở lại tại hầu hết các tỉnh. Giá tinh bột sắn thành phẩm tăng từ 100 - 200 đồng/kg. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước tính đạt khoảng 970.000 tấn, trị giá 420 triệu USD, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng gần 16% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam hiện chiếm gần 26% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, hơn 95% lượng tinh bột sắn của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, cả nước có trên 500 nghìn ha diện tích trồng sắn, trong đó, vùng Tây Nguyên dẫn đầu với hơn 170 nghìn ha, tập trung tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Kon Tum. Trong đó, Gia Lai là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích với hơn 80 nghìn ha.
Thời điểm này, giá thu mua sắn trên thị trường đang tăng cao
Tuy nhiên, hầu hết cây sắn được canh tác tại địa bàn vùng sâu, ở địa hình dồi dốc cao, giao thông đi lại khó khăn, nên chi phí vật tư và công vận chuyển rất cao. Vì thế, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân trồng sắn không nên mở rộng diện tích mà tập trung đầu tư thâm canh, sử dụng giống sắn chất lượng để phát triển bền vững cây trồng chủ lực này.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan. Cả nước có 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm. Tuy nhiên, thời gian qua các vùng nguyên liệu sản xuất chưa được gắn kết chặt chẽ với các nhà máy chế biến, dẫn đến bất cập nơi thừa nguyên liệu, nhưng thiếu nhà máy và ngược lại.
Từ đầu năm nay, Trung Quốc đã trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nên sản phẩm xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn của các thị trường thành viên RCEP sẽ không chỉ đối diện với việc mất thị trường mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới cả một ngành sản xuất.
Do đó, Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu sắn cần chuyển mạnh sang xuất khẩu theo hướng chính ngạch. Mặt khác, cần tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng trồng và tổ chức lại sản xuất để sản phẩm sắn của Việt Nam phải là sản phẩm sạch, đáp ứng được tiêu chí thị trường.
Minh Phương
Bình luận