Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ ba, 30/08/2022 05:08
TMO - Thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông, lâm, thủy, sản trong thời gian tới dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp đang nỗ lực để đa dạng hóa thị trường, nâng cao hàm lượng chế biến, tháo gỡ phần nào khó khăn trong quá trình xuất khẩu.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 48,2%.
Gạo là một trong 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD trong 8 tháng của năm 2022. Ảnh: Chí Quốc
Đã có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái, như: cà phê trên 2,8 tỷ USD, tăng 40,3%; cao su trên 2 tỷ USD, tăng 8,1%; gạo trên 2,3 tỷ USD, tăng 8,1%; hồ tiêu khoảng 712 triệu USD, tăng 8,2%; sắn và sản phẩm sắn 941 triệu USD, tăng 22,5%; cá tra trên 1,7 tỷ USD, tăng 82,6%; tôm gần 3 tỷ USD, tăng 22%; gỗ và sản phẩm gỗ trên 11 tỷ USD, tăng 6,5%.
Bên cạnh đó, có những mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu gồm: Nhóm hàng rau quả đạt gần 2,2 tỷ USD (giảm 13,9%); hạt điều đạt gần 2,1 tỷ USD (giảm 10,4%); sản phẩm chăn nuôi đạt 258,6 triệu USD (giảm 12,3%). Đáng chú ý, dù giá trị xuất khẩu nhóm gỗ và sản phẩm gỗ tăng 6,5% nhưng giá trị xuất khẩu của sản phẩm gỗ lại giảm 3,4% với giá trị trên 7,7 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, trong 8 tháng của năm 2022, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 43,1% thị phần, châu Mỹ chiếm 28,9%, châu Âu chiếm 11,8%, châu Đại Dương chiếm 1,7% và châu Phi là 1,6%.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 9,6 tỷ USD (chiếm 26,4% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 6,5 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,7 tỷ USD (chiếm 7,4%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước trên 29,9 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt trên 18,3 tỷ USD, tăng 1,1%; nhóm hàng thủy sản ước trên 1,9 tỷ USD, tăng 37,5%; nhóm lâm sản chính trên 2,2 tỷ USD, tăng 3,6%; nhóm sản phẩm chăn nuôi gần 2,1 tỷ USD, giảm 10,8%; nhóm đầu vào sản xuất ước gần 5,4 tỷ USD, tăng 12,0%.
Về thị trường nhập khẩu, khu vực châu Á chiếm 31,7% thị phần xuất khẩu sang Việt Nam, thứ 2 là châu Mỹ chiếm 25,5%, châu Đại dương chiếm 5,9%, châu Âu chiếm 4,2% và châu Phi chiếm 3,6%. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Argentina và là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 8 tháng, với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu ước đạt lần lượt là 8,52%, 8,49% và 8,34%.
Xuất khẩu gỗ và đồ gỗ là một trong những ngành hàng đối diện với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm
Theo Bộ NN&PTNT, các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 so với thời điểm đầu năm. Điều này là do thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động. Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa; những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản nói chung, nhất là đối với gỗ và đồ gỗ Việt Nam.
Trước bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản hết sức khó khăn do lạm phát tại các nước tăng cao, người dân tại nhiều quốc gia đã hạn chế mua sắm, hàng tồn kho dư thừa. Nhận diện được những thách thức này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị tập trung để tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian từ nay đến cuối năm 2022.
Các ngành hàng chủ lực đang tăng trưởng cũng như xuất khẩu tốt cần bứt phá để bù đắp cho những ngành hàng đang gặp khó khăn khác. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần là đầu mối rà soát lại sau đó báo cáo lại với Bộ để có những giải pháp cho từng thị trường và từng loại sản phẩm để có thể về đích xuất khẩu.
Hiện nay, Bộ đang đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản chủ lực như: sầu riêng, khoai lang, ớt, chanh leo, nhãn, bưởi, xoài sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc.. Trong lĩnh vực thủy sản, số sản phẩm, doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang các thị trường gia tăng; trong đó, có những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, các địa phương tăng cường giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam; tiếp tục thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương.
Hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp…. Chủ động chuẩn bị tốt các hồ sơ kỹ thuật, tích cực đàm phán để mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn và tiềm năng; giải quyết các vấn đề rào cản kỹ thuật phát sinh tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Hải Long
Bình luận