Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ bảy, 01/07/2023 07:07
TMO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng các mặt hàng trong nhóm nông sản chính xuất khẩu vẫn đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm khá cao, đạt 3,07%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%. Sáu tháng đầu năm 2023 có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Trong đó rau quả, gạo và hạt điều là những sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể: Rau quả tăng 80%; gạo (tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% giá trị xuất khẩu), hạt điều (tăng 10,5% khối lượng và tăng 7,7% giá trị xuất khẩu) so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu rau quả tháng 6/2023 ước tính đem về gần 0,95 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với tháng 6/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 2,8 tỷ USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết xuất khẩu gạo trong tháng 6/2023 đem về 300 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu gạo được 4,2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,32 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (489 USD/tấn). Trong nửa đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,4%; tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc nhập khẩu gạo từ Việt Nam cũng tăng 93,2% về lượng và 116% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Gạo là một trong những mặt hàng nông sản có tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Ảnh: CL.
Hạt điều trong nửa đầu năm 2023 cũng tăng trưởng ấn tượng, đạt 1,6 tỷ USD, tăng 7,7% về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam trong quý 2 của năm 2023 ước đạt mức 5.805 USD/tấn, giảm 2,3% so quý 1 và giảm 5% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 5.850 USD/tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, tỷ trọng chiếm 62,3% tổng lượng và 69,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều các loại. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu các chủng loại hạt điều trên đã tác động tích cực lên toàn ngành.
Đối với mặt hàng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3% so với nửa đầu năm 2022. Với các nông sản khác, giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng: Cao su 1,05 tỷ USD; Tôm 1,56 tỷ USD; Sản phẩm gỗ 4,07 tỷ USD… đều suy giảm so với cùng kỳ năm trước.
Đối với ngành hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng chỉ đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, các sản phẩm chủ lực đều giảm sâu. Mặt hàng tôm có kim ngạch xuất khẩu 1,56 tỷ USD, giảm 32% so với con số 2,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022. Đối với mặt hàng cá tra, xuất khẩu tháng 6/2023 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm, dẫn đến kim ngạch 6 tháng đầu năm 2023 giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 840 triệu USD.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Bộ NN&PTNT cho biết sắp tới các giải pháp sẽ được áp dụng để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đó là phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; chủ động dự báo, tranh thủ cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới FTAs để thúc đẩy xuất khẩu.
Nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là đối với các nông sản vào vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, ASEAN, Australia - New Zealand, Trung Đông, châu Phi...).
Bộ NN&PTNT cũng sẽ đàm phán để xuất khẩu dừa tươi sang Hoa Kỳ; thống nhất với Nhật Bản về tem mới đối với mặt hàng Xoài và Thanh long quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản từ 1/8/2023; trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để hoàn thiện dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt và các loại quả tươi truyền thống của Việt Nam (trừ chuối); tổ chức họp trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về Lệnh 248 và 249 và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu; tổ chức tiếp đón và làm việc với đoàn thanh tra của EU đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam…
Hoàng Trang
Bình luận