Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ sáu, 09/06/2023 04:06
TMO - Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, trong 5 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm gần 30% so với cùng kỳ, doanh nghiệp gỗ đang trải qua thời kỳ rất khó khăn.
Báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, 5 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu, thuộc mã HS 94, giảm tới 38%. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng thuộc nhóm HS 44 còn tăng trưởng dương.
Về các mặt hàng cụ thể, 4 tháng đầu năm 2023, trong khi mặt hàng gỗ dán được sản xuất từ gỗ cứng chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm mạnh do chịu tác động của cuộc điều tra do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiến hành từ giữa năm 2021 về chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp, thì sản phẩm gỗ dán sử dụng trong xây dựng (gỗ dán phủ film) xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU lại tăng.
Số liệu thống kê cho thấy 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng ván sợi sang thị trường Ấn Độ đạt 21,19 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (7,6 triệu USD). Ván sợi hiện chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Ấn Độ.
Với mặt hàng ván bóc, xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt 69,4 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường chính nhập khẩu mặt hàng này như Trung Quốc (57,2 triệu USD), Campuchia (3,4 triệu USD) đều tăng lần lượt 1% và 20% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, xuất khẩu ván bóc sang thị trường Ấn Độ cũng tăng mạnh từ 284,5 ngàn USD trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 3,1 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2023.
Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, trong 5 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm gần 30% so với cùng kỳ.
Đối với mặt hàng dăm gỗ, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ trong 4 tháng năm 2023 đạt trên 4,1 triệu tấn, với trị giá 704,4 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%.
Xuất khẩu viên nén 4 tháng đầu năm đạt 1,2 triệu tấn, kim ngạch 213,04 triệu USD, giảm 22% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt giá xuất khẩu viên nén đã giảm rất mạnh. dự kiến trong tháng 6 và tháng 7 này nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lượng tiêu thụ là 100.000 tấn/tháng. Trong khi đó tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã ký được các hợp đồng dài hạn 2 - 3 năm cung cấp viên nén cho thị trường này.
Các chuyên gia tại VIFOREST nhận định, sức mua trên toàn cầu giảm mạnh khiến kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ giảm. Đây là thực tế rất khó khăn đối với ngành gỗ. Hiện tại, những doanh nghiệp có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023. Hằng năm, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã có đơn hàng đồ gỗ ngoài trời và đang chuẩn bị nguyên liệu cho các tháng tiếp theo xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng.
Không chỉ suy giảm về kim ngạch xuất khẩu, mà hiện ngành gỗ đang đối diện với 2 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới mặt hàng gỗ dán và tủ bếp do Mỹ khởi xướng điều tra, vụ việc đã kéo dài quá lâu. Đối với vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán đã gia hạn ra quyết định tới lần thứ 7 và kéo dài đã ba năm, tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển dịch sang các thị trường khác mua hàng.
Trước những khó khăn của ngành gỗ xuất khẩu, VIFOREST đã đề xuất các cơ quan có trách nhiệm, đồng hành cùng doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường và các cơ hội đầu tư, mở rộng các mặt hàng gỗ có tính cạnh tranh cao hơn. Trước mắt tập trung vào vào ba thị trường chính Bắc Mỹ, châu Âu và thị trường Đông Bắc Á.
Đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp ngành gỗ cần đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, nghiên cứu để đáp ứng trúng nhu cầu của từng thị trường, xây dựng quan hệ sâu với khách hàng, đầu tư xây dựng thương hiệu; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp để bảo đảm quy mô và tính ổn định của chuỗi cung ứng; có chiến lược bài bản, chuyên nghiệp trong quảng bá, phát triển thị trường.
Về lâu dài, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư, đổi mới về công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường, chuẩn bị kỹ về thị trường và pháp lý để hạn chế các rủi ro về tranh chấp, phòng vệ thương mại, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, mã số vùng trồng hợp pháp… Các cơ quan đại diện khẳng định sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và mở rộng, phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện tiếp tục nỗ lực hỗ trợ ngành gỗ mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng và còn dư địa như: Ấn Độ, Đông Âu, Trung Đông; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giải quyết thỏa đáng các tranh chấp và phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam...
Nguyễn Hạnh
Bình luận