Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 18:01
Thứ ba, 02/01/2024 14:01
TMO - Bên cạnh khó khăn về đầu ra thị trường, ngành gỗ đang đối mặt với một số vấn đề khác, ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của sản xuất và xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kim ngạch xuất khẩu của ngành lâm nghiệp hết năm 2023 chỉ đạt 14,39 tỷ USD, giảm 15,8% so với năm 2022. Thị trường hiện đã có những dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số khó khăn cho ngành. Bên cạnh khó khăn về đầu ra thị trường, ngành gỗ đang đối mặt với một số vấn đề khác, ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của sản xuất và xuất khẩu.
Các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Cụ thể, Quy định chống phá rừng của EU (EU Deforestation Regulation, EUDR) có hiệu lực từ cuối tháng 6/2023 quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo tính hợp pháp và không gây mất rừng. Cùng với EU, nhiều thị trường khác cũng đang đặt ra các chính sách mới khá nghiêm ngặt, gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gỗ.
Thị trường Mỹ yêu cầu gia tăng tần suất các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ, đồng thời cũng yêu cầu việc tuân thủ quy định về lao động và sử dụng lao động. Nhật Bản cũng yêu cầu các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này có chứng chỉ bền vững. Tại Đức, hiện đang áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam. Các nhà nhập khẩu phía Đức yêu cầu nhà xuất khẩu Việt Nam cung cấp thêm các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải và các chứng chỉ liên quan khác...
Thị trường Canada hiện có xu hướng đặt ra nhiều quy định về môi trường trong chiến lược thiết kế sản phẩm, sản xuất và thị trường. Mới đây, Chính phủ nước này đã công bố tài liệu khung về quy định đối với việc ghi nhãn và hàm lượng tái chế của sản phẩm nhựa và trách nhiệm báo cáo với Cơ quan liên bang về vấn đề sản phẩm nhựa. Điều này sẽ có một số tác động đối với hầu hết các nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, từ bao bì hàng tiêu dùng, cho đến các lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn khác.
Các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm (Ảnh minh họa).
Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5-2 triệu mét khối gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới, là gỗ rủi ro về pháp lý, chiếm 30-40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu của cả ngành. Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới tình hình gỗ Việt xuất khẩu mà còn làm mất đi cơ hội trong việc sử dụng gỗ nhập khẩu rủi ro thấp và nhất là nguồn gỗ rừng trồng trong nước có nguồn gốc từ hàng triệu nông hộ.
Đến nay, các hoạt động xuất, nhập khẩu ngành gỗ đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lượng và kim ngạch. Sụt giảm ở khâu đầu ra sản phẩm, nhất là tại các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU, kéo theo sự giảm mạnh trong nguồn cung ứng gỗ nguyên liệu nhập khẩu và nhu cầu sử dụng gỗ rừng trồng trong nước. Suy giảm của thị trường, cả về khía cạnh đầu ra xuất khẩu và nguyên liệu đầu vào sản xuất diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và các thị trường đưa ra các quy định mới nhằm kiểm soát chuỗi cung chặt chẽ hơn, bảo đảm sản phẩm hợp pháp và bền vững.
Thời gian qua, một số cơ chế chính sách mới đã được ban hành nhằm đáp ứng các yêu cầu từ nhà nhập khẩu. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và quy định nhằm triển khai Hệ thống Bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS) và Thỏa thuận 301 (Hoa Kỳ). Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT quy định quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản được ban hành thay thế Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT và có hiệu lực vào tháng 1/2023, tập trung cho công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản liên quan đến các cấu phần kiểm soát chuỗi cung ứng gỗ của VNTLAS. Thời gian tới, Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT quy định chi tiết việc phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ sẽ được tiếp tục sửa đổi bổ sung nhằm mở rộng phạm vi và đối tượng được phân loại theo cam kết triển khai hệ thống phân loại các tổ chức (OCS) của VPA/FLEGT.
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0 - 5,5%; trồng rừng tập trung 245.000ha; trồng cây phân tán 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu m3; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Bộ sẽ tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; bảo vệ và phát triển bền vững 100% diện tích rừng hiện có; đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp theo hướng sản xuất xanh, bền vững, tuần hoàn...
Minh Hải
Bình luận