Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ ba, 19/12/2023 13:12
TMO - Xuất khẩu gạo nửa đầu năm 2024 dự báo tiếp tục khả quan khi các thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam có nhu cầu tăng nhập khẩu.
Thống kê của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Xuất khẩu gạo lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2023 đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng là 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 tháng của năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang Philippines đạt 2,63 triệu tấn, trị giá 1,41 tỷ USD. Tiếp đến là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi. Sản phẩm gạo xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là gạo trắng, chiếm tới hơn 60% trong cơ cấu, và đạt hơn 2,3 tỷ USD giá trị.
Đánh giá về tình hình thị trường xuất khẩu gạo năm 2024, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Xuất khẩu gạo nửa đầu năm 2024 dự báo tiếp tục khả quan khi các thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam có nhu cầu tăng nhập khẩu.
Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu của các nước sẽ biến động. Một số quốc gia sẽ giảm nhập như Brazil, Ai Cập, Ghana…, nhưng một số nước, trong đó có bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia, lại dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn, hay như Philippines - một đối tác quan trọng khác của Việt Nam – ngay trong năm 2023 này ước nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn gạo, trong đó: 90% khối lượng nhập là từ Việt Nam; 4,5% từ Thái Lan (126.560 tấn); 4,3% từ Myanmar (120.538 tấn), còn lại đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi Ấn Độ - quốc gia cung cấp một nửa lượng gạo trên thị trường quốc tế tạm ngừng xuất khẩu gạo trắng kèm với tình hình chính trị nhiều khu vực trên thế giới diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan... khiến nguồn nhu cầu nhập khẩu lương thực tăng trong khi nguồn cung lúa gạo khó đoán định.
Do đó, theo kịch bản an toàn nhất mà Bộ NN&PTNT tính toán, mỗi năm Việt Nam sản xuất được trên 43 triệu tấn lúa, ngoài số lượng phục vụ các nhu cầu khác nhau trong nước (tiêu dùng nội địa, dự trữ quốc gia, làm giống, chế biến thức ăn chăn nuôi…) mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13 - 14 triệu tấn lúa - tương đương hơn 7 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu. Với nguồn gạo vượt nhu cầu tiêu dùng trong nước, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước để chia sẻ lương thực, ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.
Thực tế cho thấy, nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn có dấu hiệu tiếp tục duy trì đà tăng cao, đặc biệt là Philippines. Mới đây, Chính phủ Philippines đã yêu cầu các thương nhân trong nước tăng cường nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Indonesia cũng dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo trong năm 2024. Trước mắt, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã gửi thông báo mời thầu cung cấp gạo 5% tấm với số lượng lên đến 543.000 tấn, nguồn cung kỳ vọng từ Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Pakistan và Campuchia. Hạn chót nhận hàng vào ngày 30.1.2024.
Không chỉ các nước châu Á, tại châu Âu, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia cũng gia tăng đáng kể. Điển hình tại Italy, đây là nhà sản xuất gạo hàng đầu ở châu Âu, chiếm khoảng 5% tổng sản lượng gạo của khối. Có khoảng 40% gạo được trồng ở nước này dùng để chế biến. Tuy vậy quy mô thị trường gạo Italy dự kiến sẽ tăng từ 2,23 tỷ USD vào năm 2023 lên 2,83 tỷ USD vào năm 2028. Điều này xuất phát từ sự gia tăng nhu cầu gạo của các nước nhập khẩu gạo từ Italy và tiêu thụ gạo trong nước. Do vậy, thông qua Hiệp định EVFTA, Italy đang tăng cường nhập khẩu gạo từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Ngành hàng lúa gạo cần tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.
Dù thị trường xuất khẩu gạo được dự báo là khả quan, nhưng theo nhận định của một số doanh nghiệp xuất gạo lớn, khó khăn nội tại lớn nhất hiện nay là xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững. Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân sản xuất, cung cấp lúa nguyên liệu cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chế biến và cung ứng ra thị trường. Muốn chuỗi giá trị lúa gạo bền vững thì phải tổ chức vùng nguyên liệu, chuyển giao quy trình sản xuất cho nông dân. Cùng nhau chia sẻ lợi ích từ chuỗi lúa gạo cách hợp lý, để nông dân đồng hành gắn bó lâu dài. Đây cũng là giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng, uy tín thương hiệu gạo.
Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện thị trường lúa gạo đang diễn ra xu hướng chuyển đổi sản xuất bền vững, phát triển xanh, tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp đi vào vấn đề chất lượng, thay vì quá quan tâm đến năng suất, sản lượng như thời gian trước đây.
Dự báo về thị trường cuối năm và nửa đầu năm 2024, Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, tình hình tiếp tục thuận lợi. Do đó, tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng. Các doanh nghiệp, HTX và người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
Bộ Công Thương tập trung nghiên cứu, chia sẻ thông tin thị trường; đánh giá, dự báo dài hạn nhu cầu, thị hiếu; ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm để thúc đẩy xuất khẩu gạo. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp các chuỗi liên kết được bền vững.
Hồng Hạnh
Bình luận