Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Chủ nhật, 12/11/2023 07:11
TMO - Nông sản tỉnh Bến Tre đang được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới. Kết quả trên có được là nhờ công tác cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được triển khai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc nông sản của nhiều thị trường.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 41 vùng trồng xuất khẩu, với 84 mã số đang hoạt động, diện tích hơn 671ha. Bưởi da xanh có 23 vùng trồng gắn 51 mã số. Chôm chôm có 3 vùng trồng gắn 6 mã số. Xoài có 4 vùng trồng gắn 16 mã số. Sầu riêng có 10 vùng trồng gắn 10 mã số. Nhãn có 1 vùng trồng gắn 1 mã số. Nông sản của địa phương này đã được xuất khẩu sang các thị trường như: châu Âu, Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc. Về CSĐG, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp (DN) và 1 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động được cấp mã số
Đối với dừa uống nước, toàn tỉnh có 36 vùng trồng, với 2.356ha và 11 cơ sở đóng gói (CSĐG), với tổng công suất trên 1 triệu trái/ngày đủ điều kiện và đã được chuyển hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật. Riêng trên địa bàn huyện Giồng Trôm, có 4 CSĐG và 10 vùng trồng, với 1.341 hộ tham gia trên địa bàn các xã: Châu Bình, Châu Hòa, Phong Nẫm, Hưng Nhượng, Phước Long và Bình Thành đủ điều kiện và đã được chuyển hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật.
Tỉnh Bến Tre tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nông sản tại các vùng trồng được cấp mã số. Ảnh: HL.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2021 đến tháng 7-2023, Cục đã nhận thông báo từ phía Trung Quốc về các lô hàng xuất khẩu không tuân thủ kiểm dịch thực vật, với 750 trường hợp vi phạm mã số vùng trồng và mã số CSĐG. Riêng trong 8 tháng năm 2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm với 439 trường hợp vi phạm. Tại Bến Tre, ghi nhận 3 trường hợp vi phạm liên quan về kiểm dịch thực vật của các thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc, không có trường hợp vi phạm khác. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử lý và bắt buộc khắc phục các vấn đề phát sinh. Ngoài ra, tỉnh không có trường hợp vùng trồng và CSĐG bị thu hồi mã số do vi phạm quy định.
Cùng với những kết quả đã đạt được thời gian qua, công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế: Các hình thức gian lận phổ biến thường diễn ra như: đăng ký cấp mã tại địa phương nhưng thực hiện thu mua không đúng theo hợp đồng; thực hiện gian lận sử dụng mã số không thuộc sở hữu trong hoạt động xuất khẩu; thu mua nông sản tại địa phương này nhưng gắn mã số tại địa phương khác; thực hiện đăng ký mã số vùng trồng và CSĐG nhưng không sử dụng và bán lại sản lượng cho các đơn vị kinh doanh khác để xuất hàng hay nói cách khác là kinh doanh mã số...
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, quản lý mã số vùng trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre lưu ý chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý có liên quan phối hợp với cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố trong việc tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản những quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói (tại tiêu chuẩn cơ sở 774:2020/BVTV - Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng và TCCS 775:2020/BVTV - Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói).
Tổ chức hướng dẫn, tấp huấn kỹ thuật cho từng đối tượng áp dụng (doanh nghiệp, nông dân, cán bộ kỹ thuật địa phương...) về các quy định kiểm dịch thực vật, thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp; an toàn thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu trên từng loại sản phẩm trồng trọt; bảo đảm nguyên tắc dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ áp dụng. Chú trọng công tác tập huấn cho nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép nhật ký canh tác đầy đủ và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sản xuất chủ động xây dựng và bảo đảm luôn duy trì tình trạng vùng nguyên liệu đáp ứng quy định của nước nhập khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói. Phối hợp với các cơ quan quản lý tại địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho nông dân trong vùng nguyên liệu bảo đảm thực hiện đúng các quy định kỹ thuật để phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo yêu cầu xuất khẩu. Tăng cường tuyên truyền cho thành viên, hộ gia đình tham gia sản xuất các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đặc biệt là quy định Kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
Bộ NN&PTNT tăng cường quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên cả nước, gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản.
Thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng đúng, đủ yêu cầu của các nước nhập khẩu. Đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, gạo, sầu riêng. Số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp nhiều nhất từ các thị trường Trung Quốc, Mỹ, New Zealand và Australia. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm, chỉ đạo sát sao và ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Cụ thể như: Công văn 5841/BNN-BVTV ngày 26/8/2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về việc tăng cường công tác giám sát, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Công văn số 2425/BNN-BVTV ngày 27/4/2021 về việc kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để cấp mã số phục vụ xuất khẩu; Công văn số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu...
Bên cạnh áp dụng biện pháp mạnh để quản lý, phát huy vai trò giám sát của các nhân tố trong chuỗi, Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý sansangxuatkhau.ppd.gov.vn nhằm minh bạch hoá thông tin. Hệ thống này gồm cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối giữa Cục Bảo vệ thực vật với các chi cục tại địa phương có các thông tin liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; 2 phần mềm đang được xây dựng về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho phép người nông dân và các cán bộ cơ sở có thể ghi chép trực tiếp, theo dõi thông tin về lô hàng xuất khẩu, cũng như đăng ký giám sát hàng năm thay vì phải đến trực tiếp tại chi cục Bảo vệ thực vật.
Hệ thống này cũng cung cấp thông tin về quy định của các nước cũng như quy định của Việt Nam về mã số vùng trồng, cơ sở đóng góp, kiểm dịch thực vật…;quy định đã ban hành hay sắp ban hành. Hệ thống này sẽ kết nối với các cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và cả bộ phận ở cửa khẩu, để tránh việc không phải chủ thể của mã vùng trồng nhưng lại sử dụng mã vùng trồng.
Đức Việt
Bình luận