Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Chủ nhật, 19/03/2023 06:03
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Báo cáo Biến đổi khí hậu 2022 của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC-AR6) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo, nếu mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không được kiểm soát ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, loài người và môi trường tự nhiên có nguy cơ sẽ chịu nhiều tác động không thể đảo ngược.
IPCC ước tính, kể từ năm 2008 đến nay, mỗi năm có hơn 20 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt và một nửa dân số thế giới thiếu nước ít nhất 01 tháng mỗi năm. Liên Hợp Quốc cũng đã cảnh báo, các hệ sinh thái trên Trái Đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người chạm ngưỡng không thể đảo ngược ảnh hưởng đến việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), gia tăng các thách thức về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và nguồn nước. Vì vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Tại Hội nghị COP26, các quốc gia đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 để giữ cho mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, trong đó, chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm. Việc áp dụng các nguyên tắc loại bỏ chất thải và ô nhiễm, lưu thông các sản phẩm, nguyên liệu và tái tạo thiên nhiên trong mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, nông nghiệp.
Mô hình kinh tế tuần hoàn giúp giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, nông nghiệp. Ảnh: NSE.
Cụ thể là việc giảm thiểu và loại bỏ chất thải và ô nhiễm sẽ giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị; bằng cách luân chuyển, thu giữ lại năng lượng có trong các sản phẩm và vật liệu; tái tạo tự nhiên giúp cô lập và thu giữ được các-bon. So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.
Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...Xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân..
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Bộ TN&MT cho biết một số giải pháp, nhiệm vụ sẽ được triển khai trong thời gian tới gồm kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. Xây dựng lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa,túi nilon) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.
Ngoài ra, phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải. Thúc đẩy quan hệ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho kinh tế tuần hoàn. Truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn, về trách nhiệm phân loại tại nguồn các loại rác thải để thực hiện tái chế, tái sử dụng, qua đó thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã đưa ra quy định về kinh tế tuần hoàn; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn. Theo Điều 139 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn trước ngày 31/12/2023. Thực hiện nhiệm vụ được Bộ TN&MT giao, thời gian qua, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) đã xây dựng dự thảo Đề cương Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Dự thảo Đề cương Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đang được xây dựng nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Kế hoạch được xây dựng với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường. Phát triển các thói quen tốt, tiến tới tạo dựng nét văn hóa trong áp dụng kinh tế tuần hoàn; hình thành xã hội tuần hoàn, áp dụng các mô hình sản xuất và tiêu dùng, mô hình kinh doanh tuần hoàn trở thành phổ biến trong xã hội.
Đồng thời, khai thác triệt để tiềm năng về đổi mới, sáng tạo để áp dụng kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn thiết kế và triển khai các hệ thống sản xuất bền vững và hiệu quả hơn. Lựa chọn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phổ biến và phù hợp với đặc trưng của từng vùng, miền, ngành và lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Thúc đẩy sự tái sinh của thiên nhiên, tác động tích cực và bền vững đến cuộc sống của con người và môi trường.
Để thực hiện các mục tiêu trên, dự thảo đề cương kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiêu thực hiện bao gồm: Tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức về kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy thiết kế sinh thái, thiết kế để thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với các sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trọng tâm. Thí điểm và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trọng tâm.
Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Hình thành và phát triển thị trường các hàng hóa và dịch vụ liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ, cung cấp thông tin, dữ liệu và phát triển Mạng lưới kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Huy động nguồn nhân lực, tài chính và phát triển hạ tầng kỹ thuật. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành, lĩnh vực trong thực hiện kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Theo dự thảo, một số ngành, lĩnh vực và dự án trọng tâm thực hiện kinh tế tuần hoàn bao gồm: Khai thoáng; nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; giao thông vận tải; năng lượng; chế biến, chế tạo; xây dựng; xử lý, cung cấp nước; dịch vụ sửa chữa, tân trang, phục hồi, tư vấn, đánh giá; du lịch và thương mại; thông tin, truyền thông; quản lý chất thải (ưu tiên chuyển hoá thành tài nguyên, năng lượng).
Nguyễn Nga
Bình luận