Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Chủ nhật, 24/09/2023 08:09
TMO - Cùng với các địa phương trên cả nước, tỉnh Đồng Tháp hướng tới mục tiêu phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải.
Đồng Tháp có tổng diện tích đất nông nghiệp là 277.122 ha, chiếm 81,93% tổng diện tích tự nhiên; là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp với sản lượng lúa gạo đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh. Đồng Tháp có diện tích gieo trồng lúa khoảng 494 nghìn ha/năm, sản lượng khoảng 3,3 triệu tấn, tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao đạt gần 70%.
Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký với Bộ NN&PTNT tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” với diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 70.000ha, đến năm 2030 là 163.000ha. Riêng vụ đông xuân 2023 - 2024, Đồng Tháp đảm bảo các tiêu chí tham gia Đề án với tổng diện tích 40.955ha.
Để hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo một cách bền vững, mới đây “Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (TRVC)” cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Dự án có tổng vốn hơn 22 tỷ đồng, do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV viện trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp là chủ dự án.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2027, với mục tiêu cải thiện sinh kế cho hộ nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ ở khu vực dự án; xây dựng các chuỗi giá trị lúa gạo bao trùm; giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo; hỗ trợ phát triển thương hiệu gạo carbon thấp trên địa bàn tỉnh. Kết quả mong đợi của dự án là tiếp cận 50-60 hợp tác xã và hỗ trợ sinh kế cho khoảng 75.000 nông dân sản xuất nhỏ lẻ trên quy mô sản xuất 75.000 ha. Cùng với đó, xúc tác thành lập 10-20 chuỗi giá trị lúa gạo bao trùm và hỗ trợ ít nhất 10 nhà sản xuất/chế biến/kinh doanh/xuất khẩu gạo chủ lực, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua cung cấp dịch vụ, sản xuất và chế biến.
Tỉnh Đồng Tháp triển khai hiệu quả các dự án hợp tác quốc tế trong xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo bền vững. Ảnh: TC.
Dự án dự kiến giảm phát thải 75.000 tấn CO2 từ hoạt động canh tác lúa; giảm 30% - 40% lượng giống; giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên; đảm bảo 40%-50% lợi nhuận cho các nông hộ từ sản xuất lúa. Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV khuyến khích các doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia dự án để đẩy mạnh việc mở rộng ứng dụng các công nghệ sản xuất lúa tiến bộ trên quy mô lớn, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các nông hộ nhỏ và toàn thể tác nhân trong chuỗi.
Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí metan) ngành NN&PTNT đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 với mục tiêu đảm bảo tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính tối thiểu đạt 121,9 triệu tấn các-bon tương đương (CO2tđ). Tổng lượng phát thải metan không vượt quá 45,9 triệu tấn CO2tđ, tăng hấp thụ các-bon trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất. Từ đó đóng góp vào cam kết của Quốc gia đạt phát thải bằng 0 vào năm 2050, tạo cơ sở cho phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành NN&PTNT.
Sở NN&PTNT Đồng Tháp nhấn mạnh, việc phát triển ngành hàng lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải là xu hướng tất yếu trong thời gian tới và nâng cao năng lực cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Do đó, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia dự án là chủ thể trọng tâm, quyết định sự thành công của dự án. Các giá trị lớn về thương hiệu, dòng sản phẩm lúa gạo được sản xuất với trách nhiệm về môi trường, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính sẽ đặt nền móng vững chắc cho doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào thị trường trao đổi tín chỉ các-bon theo lộ trình tới năm 2027 của Việt Nam.
Xuất khẩu gạo của nước ta hiện nay vẫn đang rất thuận lợi về giá. Để duy trì được kết quả này, cần thiết phải xây dựng được chuỗi sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 8/2023, Việt Nam xuất khẩu 5,81 triệu tấn gạo, trị giá 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân đạt 543,9 USD/tấn, tăng 11,8%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,3% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 13,5%; Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%. Ngoài ra khu vực thị trường EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ,..), châu Phi (Ghana, Angola, ...) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Để duy trì việc xuất khẩu gạo bền vững, các doanh nghiệp được khuyến cáo cần nghiêm túc thực hiện duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan chức năng theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng (để tránh bị lừa đảo).
Đặc biệt, trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu vẫn neo ở mức cao, doanh nghiệp phải tuyệt đối tôn trọng những hợp đồng đã ký (để giữ uy tín với các đối tác). Bên cạnh đó, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với tình hình thị trường; chú trọng phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng. Chú trọng duy trì chất lượng từ vùng nguyên liệu.
Mạnh Cường
Bình luận