Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ ba, 08/11/2022 13:11
TMO - Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đang tập trung mở rộng diện tích vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm trong canh tác, từ đó góp phần tạo thuận lợi cho quá trình tiêu thụ mặt hàng trên.
Sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao, là nguồn nông sản hàng hóa giá trị xuất khẩu lớn, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Qua khảo sát, 70 - 80% sản lượng sầu riêng được xuất khẩu, chủ yếu vào thị trường Trung Quốc; trong đó, có khoảng 20% sản phẩm được chế biến trước khi xuất khẩu. Toàn vùng hình thành được 15 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kiểu mới, thu hút gần 16.000 thành viên đang tích cực phát huy vai trò tập hợp nông dân, liên kết sản xuất, giải quyết đầu vào và đầu ra cho nông sản hàng hóa. Hiện nay, Tiền Giang xây dựng được vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu trên 16.000 ha; trong đó có trên 11.000 ha đang cho thu hoạch với năng suất bình quân trên 28 tấn/ha.
Nắm bắt thời cơ khi trái sầu riêng được chấp nhận xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, toàn vùng đã đã được cấp 2 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 100 ha. Tỉnh đang tiếp tục nộp hồ sơ, chờ thẩm định trong những ngày tới 21 hồ sơ với khoảng 1.100 ha, ước sản lượng không dưới 30.000 tấn quả. Tỉnh đang đặt mục tiêu đến cuối năm nay có khoảng 50% diện tích được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 200 ha sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng mỗi năm gần 6.000 tấn quả.
Tiền Giang xây dựng được vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu trên 16.000 ha
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, giai đoạn 2022 - 2025, địa phương giữ ổn định diện tích hiện có song song với tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích nông dân thâm canh theo hướng GAP (VietGAP, GlobalGAP); tổ chức lại sản xuất… gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của trái sầu riêng đặc sản trên thị trường vừa an toàn, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái.
Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và phát triển bền vững cho vùng chuyên canh sầu riêng. Đến năm 2025, sản lượng khoảng 360.000 tấn quả, có 25% diện tích được công nhận an toàn (VietGAP, GlobalGAP), 50% diện tích được cấp mã số vùng trồng và tỷ lệ sầu riêng xuất khẩu chiếm 70 - 80% sản lượng.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sầu riêng đang được các địa phương đẩy mạnh triển khai.
Để góp phần nâng cao giá trị của ngành hàng sầu riêng, tăng thu nhập cho người sản xuất và góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2030, địa phương đã lập và triển khai Dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang năm 2022 Địa bàn triển khai tại 4 huyện, thị chuyên canh sầu riêng trọng điểm bao gồm: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và Thị xã Cai Lậy.
Dự án mong muốn hình thành thói quen sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, tạo lập môi trường hợp tác, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất thông qua việc hình thành và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm sầu riêng trên thị trường.
Để đạt được mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tiền Giang đề ra có ít nhất 10-20% sản phẩm sầu riêng được tiêu thụ thông qua hình thức liên kết, tương ứng với 23.000-46.000 tấn được tiêu thụ qua 6-10 chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã hoặc tổ hợp tác tại các chợ bán sỉ. Giai đoạn 2026-2030, dự án tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được của giai đoạn thực hiện trước đó và nâng cấp, mở rộng, hình thành mới các chuỗi liên kết để có ít nhất 30-35% sản phẩm sầu riêng được tiêu thụ thông qua hình thức liên kết; tương ứng với 70.000-90.000 tấn được tiêu thụ qua 11-16 chuỗi.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành và các địa phương sẽ tập trung thực hiện rốt ráo nhiều công việc trọng tâm sắp tới như: Tiếp tục hỗ trợ các địa phương thiết lập hồ sơ xin cấp mã số vùng sản xuất sầu riêng tại địa bàn của mình, tập huấn hướng dẫn về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng cho người sản xuất sầu riêng song song với tăng cường giám sát vùng trồng đã được cấp mã số cũng như tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới các hợp tác xã và tổ hợp tác trong vùng chuyên canh.
Minh Trí
Bình luận