Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ hai, 05/06/2023 07:06
TMO - Với mục tiêu kiểm soát chất lượng nông sản, ổn định đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó đặc biệt chú trọng đến xây dựng chuỗi nông sản an toàn.
Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hiểu là việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các công đoạn đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm toàn bộ chuỗi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về đảm bảo an toàn.
Xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn sẽ góp phần tăng nguồn cung và từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn của người dân, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa phát triển. Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tạo nên mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan chức năng và các bên tham gia đều được hưởng lợi ích. Trong chuỗi này, các đơn vị sản xuất sẽ được bảo đảm đầu ra cho nông sản, tránh được rủi ro trước biến động của thị trường, các đơn vị kinh doanh có được niềm tin từ người tiêu dùng dựa trên những cam kết, chứng nhận về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm định, cấp chứng nhận.
Tỉnh Lào Cai đã có 125 chuỗi cung ứng nông sản an toàn đối với nông sản như: chè, rau màu, dứa, chuối...
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai ưu tiên phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, đặc biệt đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Trên địa bàn Lào Cai, nhiều mô hình liên kết chuỗi được xây dựng thành công, phát triển các chuỗi nông sản chủ lực như chăn nuôi lợn, sản phẩm cây Dược liệu, cây chè, cây dứa, cây Quế hoạt động hiệu quả, tạo được bước chuyển biến tích cực cho nông nghiệp.
Năm 2022, tỉnh Lào Cai đã có 125 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được chứng hoạt động hiệu quả với 25 mô hình liên kết cùng với 10 doanh nghiệp, 15 HTX tham gia liên kết với các HTX và hộ nông dân. Quy mô liên kết đạt 8.695,1 ha với 8.206 hộ dân tham gia. Tổng giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt 1.148 tỷ đồng. Hình thức liên kết các chuỗi đa dạng và đều gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hình thức này bảo đảm cho các thành phần kinh tế tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, do đó thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ tham gia liên kết hợp tác xây dựng.
Toàn tỉnh có 667 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP (130 ha chè, 215 ha chuối, 10 ha dứa, 212 ha quýt, 100 ha rau), 210 ha dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, gần 4.200 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ (hơn 3.500 ha quế và 696 ha chè). Từ chuỗi sản xuất nông sản an toàn được công nhận đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2023, ngành Nông nghiêp Lào Cai tiếp tục xác định mở rộng diện tích sản xuất gắn với chế biến, xúc tiến thương mại và mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết chế biến, tiêu thụ đối với 06 chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh, Góp phần nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực (sản xuất chè, dược liệu, cây chuối, cây dứa, chăn nuôi lợn, cây quế) ước đạt 3.790 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Phấn đấu 100% sản phẩm sản xuất theo chuỗi được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (như VietGAP, LocalGAP, GACP, hữu cơ...), Đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi bằng công nghệ chế biến tiên tiến để đáp ứng yêu cầu thị trường, đặc biệt các thị trường xuất khẩu.
Cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất bền vững, các địa phương trên địa bàn tỉnh rất chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tại huyện Bát Xát đã triển khai nhiều giải pháp như tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chọn lọc các cây trồng (lúa, rau, củ, quả) phù hợp với nhu cầu của thị trường để mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản an toàn. Năm 2022, địa phương này có 14 chuỗi nông sản (7 chuỗi sản phẩm từ thịt và 7 chuỗi sản phẩm từ rau) được cấp giấy chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tại huyện Bảo Thắng, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo các xã nâng cao kiến thức cho người dân về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, xây dựng các chuỗi cung ứng rau, quả, thịt (lợn, gia cầm), thủy sản… an toàn; kết nối các hộ và cơ sở kinh doanh tạo thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Đồng thời, huyện đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân sản xuất nông sản an toàn; tổ chức ký cam kết, xác nhận nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản an toàn góp phần thuận lợi hơn trong quá trình tiêu thụ nông sản.
Theo Bộ NN&PTNT, đến tháng 4/2023 cả nước đã xây dựng và phát triển được 1.702 chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản an toàn với sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn. Cùng với đó, các địa phương đang tiếp tục duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; chủ động trong việc xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm ở thị trường trong nước và sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành hướng dẫn các địa phương tiếp tục nhân rộng số lượng, mở rộng quy mô chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn; xây dựng các chuỗi cung ứng ngành hàng, chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản tại địa phương từ vùng nguyên liệu, nhà máy, chợ, trung tâm thương mại, hoạt động xuất khẩu. Mặt khác, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương định hướng nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường; chủ động giám sát, cảnh báo, thanh kiểm tra đột xuất để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm; đàm phán giải quyết các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước và quốc tế.
Lê Hằng
Bình luận