Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 13:11
Chủ nhật, 22/05/2022 07:05
TMO - Lần đầu tiên, chỉ số đo lường một cách toàn diện các khía cạnh cốt lõi của đa dạng sinh học bao gồm hiện trạng đa dạng sinh học và đóng góp của đa dạng sinh học cho con người được đưa vào nghiên cứu xây dựng tại Việt Nam.
Chỉ số đa dạng sinh học của Việt Nam sẽ góp phần giúp dự án toàn cầu phát triển phương pháp đo lường có thể áp dụng rộng rãi với nhiều quốc gia khác. Đồng thời đưa ra các quyết định cắt giảm các mối đe dọa từ hoạt động kinh doanh lên đa dạng sinh học.
Các Vườn quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam sở hữu đa dạng sinh học, tuy nhiên cũng đứng trước nguy cơ suy giảm
Theo đánh giá của các chuyên gia, suy thoái đa dạng sinh học hiện vẫn đang là một thách thức lớn mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề này thông qua nỗ lực thực hiện các cam kết với quốc tế, xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật, chính sách, chiến lược quốc gia và các dự án nghiên cứu khoa học. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư ở Việt Nam...
Việc phát triển chỉ số này được kỳ vọng đóng vai trò như một thước đo giúp các nhà hoạch định chính sách đo lường mục tiêu sống hài hòa với thiên nhiên của con người. Đặc biệt trong bối cảnh mọi nỗ lực đang được thực hiện để thực thi Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu Việt Nam sẽ cơ bản đầy lùi mất ĐDSH để phát triển bền vững vào năm 2030.
Theo các chuyên gia tại Quản lý hoạt động nghiên cứu xây dựng chỉ số ĐDSH đa chiều tại Việt Nam, thuộc WWF-Việt Nam, để làm rõ hơn vai trò quan trọng của ĐDSH và đóng góp của ĐDSH đối với phát triển bền vững cũng như tận dụng được những nguồn dữ liệu sẵn có, chúng ta cần đánh giá ĐDSH dựa trên trên bối cảnh sinh thái, xã hội và kinh tế của từng quốc gia để đo lường hiện trạng ĐDSH, cũng như những đóng góp của ĐDSH đối với con người.
Từ đó, mới có thể thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và lồng ghép vấn đề bảo tồn ĐDSH vào các chính sách quốc gia, nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội cùng hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Xây dựng chỉ số đa dạng sinh học góp phần hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả hơn. Ảnh: MQ
Xây dựng chỉ số ĐDSH đa chiều mang ý nghĩa cấp bách và kịp thời, khi thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực trước tình trạng suy thoái của các hệ sinh thái tự nhiên, dân số toàn cầu bị phơi nhiễm với các loại dịch bệnh và đang phải trải qua đại dịch.
Báo cáo Đánh giá toàn cầu về Đa dạng sinh học và các Dịch vụ hệ sinh thái (IPBES, 2019) nhấn mạnh một triệu loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Xu hướng suy giảm ĐDSH thể hiện rõ rệt ở các cấp độ hệ sinh thái, loài và gen. Với 75% diện tích mặt đất đã bị biến đổi đáng kể do các hoạt động khai thác quá mức của con người; 85% diện tích đất ngập nước bị mất đi và 66% diện tích đại dương bị các tác động tích lũy ngày càng tăng, đe dọa sự tồn tại của các loài sinh vật.
Các hoạt động của con người đang khiến thiên nhiên rơi vào tình trạng báo động đỏ, đòi hỏi chúng ta phải kịp thời đánh giá và kiểm soát sự suy giảm của ĐDSH. Việt Nam cùng với Mexico, Nam Phi và Thụy Sỹ là bốn quốc gia được chọn để thí điểm tham gia Dự án Nghiên cứu Xây dựng Chỉ số Đa dạng Sinh học Đa chiều Toàn cầu. Dự án nghiên cứu này kéo dài 3 năm, do Trung tâm Giám sát Bảo tồn Quốc tế thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP-WCMC) tài trợ.
Hoạt động thí điểm xây dựng chỉ số ĐDSH đa chiều cho Việt Nam kéo dài 1 năm, do WWF-Việt Nam và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường hợp tác thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNEP-WCMC và các đối tác tại Việt Nam. Hoạt động được xây dựng nhằm hướng tới mục tiêu: xây dựng một chỉ số ĐDSH đa chiều, phản ánh toàn diện mối tương quan giữa hiện trạng ĐDSH và những đóng góp của ĐDSH cho con người và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án Nghiên cứu Xây dựng Chỉ số ĐDSH đa chiều toàn cầu.
Thúy Hằng
Bình luận