Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Thứ sáu, 24/11/2023 07:11
TMO - Trong bối cảnh mới, để phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi quan trọng phải lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng những tiến bộ khoa học-công nghệ làm cơ sở tạo dựng, thúc đẩy sự phát triển của từng địa phương và toàn vùng Đông Nam Bộ.
Vùng Đông Nam Bộ là bùng kinh tế động lực quan trọng và lớn nhất cả nước, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực phía Nam. Năm 2022, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước. Tốc độ tăng trưởng và tổng sản phẩm của vùng luôn ở mức cao nhất. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế so sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao.
Thời gian qua, đẩy mạnh ứng dụng số hóa vườn cây, xây dựng vùng nông nghiệp chuẩn hữu cơ… được áp dụng tại các tỉnh Đông Nam Bộ giúp tăng giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo báo cáo của Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ), giai đoạn 2019 - 2023 các tỉnh Đông Nam Bộ có nhiều ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.
Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hình thành các vùng chuyên canh, triển khai các mô hình nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP... Địa phương, quy hoạch trồng tập trung 4.500 ha, gồm 5 loại cây ăn quả chủ lực: nhãn xuồng cơm vàng, bưởi, chôm chôm, mãng cầu và quýt. Đến nay, nhãn xuồng cơm vàng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý. Tỉnh Bình Thuận xây dựng ba mô hình sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu với tổng diện tích đạt 80 ha và xây dựng thành công 15 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long hữu cơ. Thông qua nhiệm vụ đã góp phần tạo ra sản phẩm quả thanh long có giá trị kinh tế cao. Điều này giúp tỉnh xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ tạo tiền đề phát triển ngành hàng thanh long Bình Thuận.
Tỉnh Bình Phước xây dựng dự án ứng dụng mô hình cải tạo đàn dê nhằm nâng cao sức sản xuất, thực hiện chuỗi liên kết tại thị xã Bình Long. Dự án triển khai với 10 hộ được thụ hưởng với mô hình cải tạo đàn dê cho năng suất, chất lượng cao hơn bằng phương pháp dùng dê đực Boer lai với cái Bách Thảo, dê đực Boer lai với dê cái địa phương. Đã có 407 con dê con được sinh ra có năng suất cao hơn 15-20% so với dê ngoài dự án, thu nhập của người nông dân tăng 20%.
Các địa phương tại vùng Đông Nam Bộ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa).
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị khi tập trung vào một số mục tiêu chính là đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ về giống; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; quy hoạch các vùng sản xuất giống và khu nông nghiệp công nghệ cao. Những năm qua,Thành phố cũng đã hình thành Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao… Thành phố cũng đã hỗ trợ việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và nhiều quy trình sản xuất công nghệ cao đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả tại các doanh nghiệp, tổ chức và hộ nông dân trên địa bàn thành phố.
Là tỉnh nông nghiệp với nguồn nước dồi dào từ hai con sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Ðông cùng tài nguyên đất rộng lớn, Tây Ninh đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm đạt được các chỉ tiêu nông nghiệp mà Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đặt ra. Tây Ninh triển khai thực hiện 39 mô hình khuyến nông với kinh phí 6,6 tỷ đồng. Thông qua các mô hình khuyến nông tỉnh đã thực hiện chuyển giao các giải pháp về khoa học, công nghệ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus cho 180 tổ chức, cá nhân với diện tích 805 ha (lũy kế từ năm 2019 đến nay, hỗ trợ tổng diện tích 1.718,8 ha cây ăn quả, cấp 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm). Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng đồng bộ, tập trung trên các cây trồng như lúa, mía, mì. Cụ thể, sản xuất lúa có tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất (100% khâu làm đất, 2,5% khâu gieo, cấy, 65-70% khâu chăm sóc, 95-100% khâu thu hoạch vận chuyển), cây mía (100% khâu làm đất, 50-70% khâu chăm sóc, 40% khâu thu hoạch và 100% vận chuyển), cây mì (100% khâu làm đất, 15-30% khâu chăm sóc, 3% khâu thu hoạch và 100% khâu vận chuyển).
Theo đánh giá của Bộ KH&CN, các địa phương khu vực Đông Nam Bộ đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư đổi mới công nghệ, nhóm ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao và trung bình tăng bình quân khoảng 10% mỗi năm. Tuy nhiên, trình độ công nghệ của các địa phương trong vùng còn thấp, hoạt động đổi mới công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Những kết quả đạt được trong hoạt động khoa học và công nghệ thời gian qua còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có của vùng, chưa thực sự trở thành động lực để duy trì phát triển kinh tế - xã hội.
Các địa phương trong vùng cần tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ chế chung thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; ban hành các cơ chế hỗ trợ giúp tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và kết nối cung cầu giữa bên mua và bên bán các sản phẩm khoa học-công nghệ đã được thương mại hóa. Đồng thời, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ cần nâng cấp các vườn ươm công nghệ, nâng cao chất lượng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Đức Nam
Bình luận