Hotline: 0941068156
Thứ năm, 29/05/2025 12:05
Thứ tư, 07/05/2025 06:05
TMO - Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và thúc đẩy sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần gia tăng kinh tế cho nông dân.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học đã có những bước tiến đáng kể trong công tác bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt góp phần phát triển bền vững nông nghiệp. Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Bằng việc đổi mới, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành và linh hoạt trong tổ chức thực hiện, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, trong đó có chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, chuyển dịch đúng hướng. Vĩnh Phúc xác định “Phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao” là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nền kinh tế.
Với sự hỗ trợ của công nghệ sinh học, ngày càng nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao được tạo ra và đưa vào sản xuất. Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã thực hiện hỗ trợ bà con nông dân hàng nghìn tấn giống lúa có năng suất, chất lượng cao.
Các giống ngô biến đổi gen, kháng sâu đục thân, thuốc trừ cỏ được đưa vào cơ cấu giống của tỉnh. Các kỹ thuật thụ tinh nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong phối giống đàn bò, lợn nhằm nâng cao chất lượng giống và năng suất cho đàn vật nuôi hay các mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính được tạo ra từ công nghệ di truyền điều khiển giới tính bằng phương pháp lai xa, chép V1 từ chọn giống hàng loạt và chọn giống gia đình cũng được nhân rộng cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra các cây giống, con giống năng suất, chất lượng, công nghệ sinh học còn đem lại lợi ích lớn trong việc bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe con người.
Hằng năm, ngành Nông nghiệp đều xây dựng, chuyển giao các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng trên các đối tượng cây trồng. Qua đó, nhận thức của nông dân có sự chuyển biến tích cực. Bà con dần ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thảo mộc trên cây trồng, thay thế các loại thuốc hóa học; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân bón vi sinh, phân bón sinh học. Đồng thời, các hầm biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học cũng được ứng dụng rộng rãi nhằm xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Đặc biệt, nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt; sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại vắc xin để phòng trừ, hạn chế sâu bệnh phá hại cây trồng và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm,... do vậy năng suất cây trồng, vật nuôi liên tục tăng dần qua các năm, đã góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng của ngành.
Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mang lại năng suất cao. (Ảnh minh hoạ).
Năm 2024, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 10.861,8 tỷ đồng,tăng 1,58% so với năm 2023, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2024 đạt 3,2%/năm. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn như: Hiện chưa có quy hoạch, quy định về các vùng sản xuất hữu cơ; đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường không được cam kết;...
Để công nghệ sinh học thực sự phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp sinh học trong tình hình mới;
Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học nhằm tạo lập thị trường thông thoáng, thuận lợi, phát triển thêm các ngành công nghiệp phụ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp sinh học, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng hiện đại, xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp của tỉnh; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của các tổ chức khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ và doanh nghiệp công nghiệp sinh học thông qua việc ưu tiên cử cán bộ nghiên cứu đi đào tạo, nghiên cứu chuyên ngành công nghệ sinh học bậc tiến sĩ, thạc sĩ; đào tạo chuyên gia đầu ngành về công nghệ sinh học.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ như: Nghị quyết số 20/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 1930 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030…
Nhờ đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, Vĩnh Phúc luôn là một trong những điểm sáng về phát triển nông nghiệp, nhất là về trồng cây vụ Đông. Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đặc biệt là công nghệ sinh học vào quá trình canh tác, sản xuất nhằm đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt từ 2,7 - 3,3%/năm;
Phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 82.000 ha; tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm các loại đạt hơn 161.000 tấn; sản lượng trứng 970 triệu quả; sản lượng sữa đạt 69.500.000 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 6.000 ha; sản lượng thủy sản đạt hơn 31.000 tấn; duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt từ 22 - 25%.../.
Mỹ Lệ
Bình luận