Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 02:01
Thứ tư, 20/07/2022 20:07
TMO - Theo quyết định mới nhất của Chính phủ, trong thời gian tới Việt Nam tập trung phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030.
Chiến lược hướng tới mục tiêu cụ thể cơ giới hóa đồng bộ lĩnh vực trồng trọt đạt trên 70% năm 2030; chăn nuôi đạt trên 60% năm 2030; cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030; đánh bắt, bảo quản trên tàu cá đạt 85% năm 2025 đạt trên 95% năm 2030. Các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt trên 30% năm 2025, đạt trên 50% năm 2030...
Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, vùng sản xuất nông nghiệp với các tổ chức sản xuất có quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông sản.
Việc đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nông sản
Khuyến khích phát triển các tổ chức, trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp tại các vùng, miền về chế tạo, cung cấp máy, thiết bị, công nghệ, dịch vụ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ, các ý tưởng đổi mới, sáng tạo để phát triển cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Về phát triển chế biến, bảo quản nông sản, tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8,0%/năm vào năm 2025 và 10,0%/năm vào năm 2030. Trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên. Tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5% đến 1,0 %/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến.
Đặc biệt, hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ nông sản.
Đến năm 2030, tầm nhìn 2045, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản, chế biến nông sản để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành; tăng cường chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh nông sản.
Cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo đang được các địa phương đẩy mạnh triển khai nhằm nâng cao năng suất. Ảnh: Quốc Bình
Kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khuyến khích đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến, bảo quản đảm bảo đủ năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực, gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.
Để đạt các mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các giải pháp cụ thể như: Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu hoàn thiện quy định để quản lý về cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản.
Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, năng lực chế biến và sản phẩm nông sản chế biến; hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho các ngành hàng nông sản. Cập nhật, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế chung, các tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn của các thị trường lớn.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất đai và cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối với cụm ngành chế biến, thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện từng vùng, ngành hàng.
Đẩy mạnh triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng hỗ trợ để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản, phát triển các mô hình trung tâm, cụm liên kết sản xuất - chế biến, bảo quản - tiêu thụ nông sản gắn với các vùng nguyên liệu tập trung.
Đồng thời, tổ chức lại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng phát triển 3 nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm là đặc sản của địa phương) được cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với lợi thế của từng vùng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với khu chế biến nông sản và dịch vụ thương mại nông nghiệp.
Nâng cao năng lực chế biến góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản top 10 thế giới. Ảnh: ĐT
Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ. Rà soát, đánh giá nguồn nhân lực, xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo chuyên ngành cơ giới nông nghiệp và chế biến nông sản. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thực hiện Chiến lược theo quy định pháp luật…
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay, nước ta có trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình.
Theo thống kê, với ngành hàng chế biến lúa gạo hiện cả nước có 582 doanh nghiệp, chè 455 doanh nghiệp, điều 465 doanh nghiệp, sắn 500 doanh nghiệp. Riêng thủy sản có 864 doanh nghiệp và gỗ 3.604 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, chế biến nông sản nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp chế biến nông sản chưa chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu đảm bảo về số lượng và chất lượng. Hơn nữa, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ trong các ngành hàng phần lớn thiếu chặt chẽ.
Đặc biệt, khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm của mùa vụ như: rau, quả, thịt. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (từ 10-20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu. Nổi bật, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng từ 15-30%...
Hà Vân
Bình luận