Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 17:11
Thứ ba, 05/11/2024 06:11
TMO - Xác định sạt lở bờ biển có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống kinh tế - xã hội, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã tập trung thực hiện song song các giải pháp trong phòng, chống sạt lở, đảm bảo sinh kế cho người dân trên địa bàn.
Theo các chuyên gia, sạt lở là hệ quả của nhiều tác động khác nhau, từ yếu tố địa chất - địa mạo, thủy văn, khí hậu, biến đổi khí hậu, mà cụ thể nhất là mực nước biển dâng và gia tăng biên độ nhiệt theo ngày đêm đang tác động lên môi trường biển tự nhiên ở tỉnh Kiên giang, bên cạnh đó là các yếu tố tác động từ con người đã khiến bờ biển Kiên Giang đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, tỉnh có bờ biển dài hơn 200km, từ Mũi Nai (thành phố Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh) tiếp giáp tỉnh Cà Mau; tuy nhiên tình trạng sạt lở bờ biển liên tục diễn ra với chiều dài hơn 120km, tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất và Kiên Lương. Mặc dù bờ biển Kiên Giang là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi trong phát triển kinh tế ven biển nhưng cũng là nơi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, khó lường.
Sạt lở bờ biển nghiêm trọng uy hiếp trực tiếp đến cuộc sống, sản xuất, mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển và thiệt hại hơn 40 căn nhà của người dân. Trước tình hình trên, được sự quan tâm của Trung ương, Kiên Giang đã triển khai nhiều giải pháp công trình, phi công trình để vừa nâng cao hiệu quả phòng, chống sạt lở, vừa đảm bảo sinh kế và ổn định cuộc sống người dân.
Trong số các địa phương, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang là địa bàn thường xảy ra sạt lở đất rừng phòng hộ ven biển nặng nề do mưa bão trong hơn 20 năm (từ năm 1997 - 2020) với 42 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hàng trăm người phải di cư vì mất nhà, mất đất sản xuất.
Trước thực tế đó, tỉnh Kiên Giang đã triển khai xây dựng công trình kè chắn sóng tại khu vực này. Thông tin từ một trong những hộ bị thiệt hại do sạt lở thuộc xã Thuận Hòa, huyện An Minh cho biết, công trình kè chắn sóng được hoàn thành vào giữa năm 2023 đã bảo vệ an toàn khu vực rừng phòng hộ, vuông tôm cũng như vuông nuôi sò huyết của các hộ gia đình.
Nhờ đó, nguồn thu nhập và cuộc sống của người dân được giao khoán đất rừng phòng hộ nói riêng, các hộ dân sống ven đê biển nói chung được ổn định hơn. Không chỉ vậy, kè chắn sóng còn tạo bãi bồi khoảng 2m, giúp khôi phục dần khu vực đất rừng phòng hộ. Hiện tại, bãi bồi khá cao, chỉ cách mặt nước biển khoảng 1m, có thể trồng rừng để nâng cao hiệu quả phòng, chống sạt lở về lâu dài.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, tuyến ven biển của huyện dài 37 km được tỉnh duyệt chủ trương đầu tư 37 km kè chắn sóng, đến nay hoàn thành 32 km, còn hơn 5 km từ Xẻo Quao đến Xẻo Bần sẽ được tiếp tục đầu tư trong năm 2025. Hiện tại có hơn 2.000 ha đất rừng phòng hộ được ngành chức năng giao khoán cho người dân tham gia trồng, bảo vệ rừng, nuôi trồng thủy sản với các mô hình nuôi tôm, sò huyết.
Riêng khu vực tiếp giáp kè chắn sóng trở vào rừng phòng hộ với chiều dài hơn 500m là bãi trống nên người dân đề xuất Nhà nước giao khoán khu vực này để trồng rừng và phát triển nuôi trồng thủy sản. Phần diện tích đất rừng phòng hộ được giao khoán cho thấy mang lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống sạt lở.
Việc giao khoán cũng đem lại hiệu quả cao cho các mô hình nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm, cua, sò huyết khu vực rừng phòng hộ của huyện. Chính vì vậy, ý kiến đề xuất của người dân về giao khoán thêm khu vực giáp kè chắn sóng trở vào khu vực rừng phòng hộ hiện có là chính đáng và huyện cũng tham mưu cấp trên xem xét.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đầu tư, đưa vào sử dụng 10 công trình kè ven biển với chiều dài gần 47 km, tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Các công trình đã xây dựng tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất, Kiên Lương. Hiện tỉnh tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển trên địa bàn huyện An Biên, An Minh và Hòn Đất, với tổng chiều dài 20 km, nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, công trình kè đã triển khai xây dựng chủ yếu bằng giải pháp xây dựng hai hàng cọc ly tâm hai bên, phía trong để đá hộc nhằm giảm sóng, tạo điều kiện gây bồi, tạo bãi, phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Các công trình đã phát huy hiệu quả phòng, chống xói lở, góp phần phục hồi rừng ngập mặn ven biển và bảo vệ an toàn cho đời sống cũng như các khu vực sản xuất, hệ thống đê biển và cơ sở hạ tầng bên trong.
Các công trình kè chắn sóng ven biển đã phát huy hiệu quả phòng, chống xói lở. (Ảnh minh hoạ: TĐQ).
Tuy nhiên trước tình hình diễn biến mưa bão, triều cường trong thời gian tới còn phức tạp. Các khu vực ven biển chưa có các công trình kè phòng, chống sạt lở sẽ có nguy cơ xảy ra sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn, từ đó có thể ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và cơ sở hạ tầng cũng như nhà cửa ven biển của người dân.
Hiện nay, khu vực ven biển tại thành phố Hà Tiên, Phú Quốc và huyện Hòn Đất, Kiên Lương có những đoạn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, nhưng do nhu cầu kinh phí lớn, trong khi còn nhiều khu vực cần được ưu tiên đầu tư cấp bách, các khu vực sạt lở nêu trên chưa được triển khai các công trình phòng, chống sạt lở. Tổng chiều dài bờ biển cần tiếp tục triển khai xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển là 38,51 km với nhu cầu kinh phí khoảng 1.626 tỷ đồng.
Để phòng chống sạt lở bờ biển, tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 1245/QĐ-UBND ngày 20/5/2022 về việc phê duyệt đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu đó là chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển, ven sông; góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất của Nhân dân; phát huy hiệu quả đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà ở tại khu vực ven sông, ven biển. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ biển, bờ sông, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Đối với các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, phấn đấu thực hiện 90% số lượng công trình đề xuất đầu tư; đối với các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, phấn đấu hoàn thành xử lý các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Đến năm 2030, các khu vực sạt lở nguy hiểm tại các khu vực bờ sông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cơ bản được xử lý bằng giải pháp công trình
Việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống sạt lở ven biển, xây dựng kè chắn sóng khi hoàn thành sẽ góp phần hạn chế sạt lở mất đất, mất rừng ở đê biển tỉnh Kiên Giang. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có kế hoạch trồng rừng phía trong kè để tạo môi trường cho các loài thủy sản phát triển. Từ đó, người dân sống khu vực ven đê biển sẽ được đảm bảo sinh kế, yên tâm sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống gia đình.
Hương Giang
Bình luận