Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 21/12/2024 22:12
Thứ tư, 24/01/2024 07:01
TMO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.
Theo thông tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân 2023-2024 có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cục bộ ở một số khu vực; đặc biệt xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm và tiếp tục duy trì ở mức cao. Vụ Hè Thu 2024, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước ở khu vực Trung Bộ do xuất hiện nắng nóng gay gắt và thiếu hụt lượng mưa, dẫn đến nguồn nước trong các hồ chứa sụt giảm nhanh và gia tăng nhu cầu dùng nước.
Trước dự báo trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Các tỉnh, thành phố rà soát kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 để phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; trong đó, cần xác định nguy cơ ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể.
Đồng thời thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,..) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2023-2024.
Các địa phương thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý
Các địa phương bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước. Địa phương tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn…
Cục Thuỷ lợi tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kịp thời cảnh báo cho các địa phương và cơ quan liên quan; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Cục Thủy lợi rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực công trình cấp nước sạch nông thôn, đề xuất các giải pháp duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động công trình, bảo đảm cấp nước cho người dân, nhất là tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt ở Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi, hải đảo.
Cục Trồng trọt tiếp tục rà soát, chỉ đạo tổ chức thực hiện lịch thời vụ vụ Đông Xuân, Hè Thu năm 2024 ở các vùng nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cục đẩy mạnh khuyến cáo ưu tiên sử dụng các giống chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu hạn, mặn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…
Các Viện thủy lợi giám sát, dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước, chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi; khuyến cáo, hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về dự báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để chỉ đạo, điều hành việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh.
Vụ lúa Đông - Xuân muộn năm 2023 - 2024, tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống được 31.045ha, trong đó giai đoạn mạ 17.599ha, đẻ nhánh 12.411ha, tập trung tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thành phố Sóc Trăng. Dự kiến diện tích xuống giống thời gian tới trên 10.000ha, ở các huyện: Thạnh Trị, Kế Sách, Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú và thành phố Sóc Trăng với các giống chủ yếu gồm: Đài thơm 8, OM 18, OM 5451...
Để chủ động trong sản xuất lúa vụ Đông - Xuân muộn, giảm nhẹ thiệt hại do hạn, mặn gây ra, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc sở triển khai thực hiện một số nhiệm vụ. Tiếp tục thực hiện các nội dung của Công điện số 04/CĐ-TTg, ngày 15/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Kế hoạch số 121/KH-UBND, ngày 14/6/2023, của UBND tỉnh về phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023 - 2025. Song song đó, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động các giải pháp đề phòng ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh.
Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn để triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó phù hợp tình hình địa phương. Rà soát các khu vực có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn để khuyến cáo, hướng dẫn người dân về thời vụ gieo trồng, cơ cấu giống lúa và triển khai các biện pháp, kỹ thuật phòng chống hạn, mặn cho các vùng trồng cây ăn trái, đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất.
Trước cảnh báo về hạn hán và xâm nhập mặn, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng các kịch bản để ứng phó. Cụ thể, đối với vụ lúa đông xuân chính vụ 2023-2024, kế hoạch xuống giống khoảng 44.000ha. Thời gian khuyến cáo xuống giống lúa đông xuân từ ngày 1 - 20/1/2024. Song đến nay, nông dân trong tỉnh xuống giống chỉ hơn 31.000ha. Theo ngành chức năng, nếu có nguy cơ thiếu nước ngọt, nắng hạn kéo dài thì khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa đông xuân chính vụ năm 2023 - 2024 với khoảng 2.900ha ở một số khu vực như: Gồm diện tích tập trung ở phía Tây trục kênh Vĩnh Phong và diện tích ven theo các cống thuộc Tiểu vùng giữ ngọt thuộc TX. Giá Rai, các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi và Phước Long…
Các công trình thủy lợi được phát huy hiệu quả nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2024. Ảnh: TTX.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, địa phương gieo sạ 44.760 ha với sản lượng thu hoạch trên 315.000 tấn lúa hàng hóa. Là vụ sản xuất chính trong năm, tỉnh Tiền Giang đang triển khai nhiều giải pháp thích hợp nhằm ứng phó hạn, mặn, đảm bảo nông dân giành một vụ bội thu, thắng lợi, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống. Tỉnh phân bố lịch thời vụ hợp lý cho từng vùng, tiểu vùng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, né hạn, mặn gây hại lúc cuối vụ sản xuất, tạo điều kiện phân bố hợp lý thời vụ cho các vụ sản xuất kế tiếp trong năm.
Nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất vừa phòng, chống hạn, mặn cho trà lúa Đông Xuân 2023 - 2024, địa phương tăng cường kiểm tra các công trình cống đập ngăn mặn, củng cố hệ thống đê bao cho từng vùng sản xuất vừa ngăn mặn và triều cường hiệu quả, không để ảnh hưởng đến trà lúa, khuyến cáo nông dân bơm trữ nước trong ruộng lúa hoặc nội đồng khi có điều kiện. Đồng thời, thực hiện mục tiêu chủ động phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ trà lúa Đông Xuân và các vùng trồng cây ăn quả đặc sản.
Trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang triển khai Dự án Đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864 kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, tỉnh có kế hoạch triển khai 8 điểm bơm chuyền để bổ cấp nước cho các khu vực thường xuyên khô hạn trên địa bàn huyện Châu Thành. Trong trường hợp tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong mùa khô 2023 - 2024, độ mặn tăng cao và lấn sâu vào thượng lưu sông Tiền, tỉnh Tiền Giang sẽ đóng 3 đập thép ngăn mặn tại các vàm Trà Tân, Ba Rài và Phú An không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng giúp nông dân sản xuất vụ Đông Xuân thắng lợi.
El Nino dự báo tiếp tục duy trì với xác suất trên 95% đến tháng 2/2024 và có thể kéo dài đến giữa năm 2024. Vào thời gian này, có thể nguồn nước trong hồ chứa hao hụt nhanh, có thể có nguy cơ hạn hán, nhưng nguy cơ không cao và không xảy ra diện rộng. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nhiều khả năng sẽ xảy ra sớm hơn và gay gắt hơn mùa khô năm 2022 - 2023, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020. Tháng 12, xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi.
Đỉnh xâm nhập mặn xuất hiện từ tháng 1/2024 đến đầu tháng 3/2024 ở sông Cửu Long (ranh 4g/l từ 50-70 km), tháng 3 đến đầu tháng 5/2023 ở sông Vàm Cỏ (ranh 4g/l từ 90-100 km). Nguy cơ xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 56.260 ha lúa ở các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng; 43.300 ha cây ăn trái ở: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng.
Nguyễn Bình
Bình luận