Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 19/04/2025 17:04
Thứ sáu, 18/04/2025 10:04
TMO - Nhằm ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững nền nông nghiệp, việc nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống cây trồng mới được xem là một trong những giải pháp quan trọng.
Khu vực Bắc Trung Bộ với điều kiện tự nhiên và đặc thù sản xuất riêng, cùng ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt và sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu cho sự phát triển nông nghiệp của vùng. Nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, từ việc chọn tạo, nhân giống đến quy trình sản xuất tiên tiến, vai trò của chuyển đổi số góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp vùng.
Giai đoạn 2020-2025, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã đẩy mạnh nghiên cứu, tạo các nguồn gen mới cho giá trị cao trong thực tiễn để phục vụ sản xuất nông nghiệp toàn vùng. Hằng năm, Viện thực hiện lưu giữ, đánh giá nguồn gen của 250 dòng/giống lúa, 230 dòng/giống lạc, 38 dòng/giống đậu xanh, 91 dòng/giống sắn, 11 nhóm loài cây trồng có nguồn gốc địa phương với tổng cộng 165 mẫu giống.
Hiện nay, Viện đang bảo tồn và chăm sóc tại chỗ 5 cây hồng nứa Nam Đàn, 5 cây hồng vuông Thạch Hà, 5 cây xoài Tương Dương, 11 cây bưởi đỏ Hương Hồ, 15 cây cam Nam Đông, 15 cây cam Xã Đoài. Ngoài ra còn chọn tạo được 19 giống cây trồng mới cùng 25 quy trình kỹ thuật canh tác cho kết quả tốt, thỏa mãn được chỉ tiêu sinh thái - xã hội, đồng thời được nông dân trong vùng đánh giá cao.
(Ảnh minh họa).
Xác định lúa vẫn là cây trồng chính, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ tập trung chọn tạo các giống lúa ngắn ngày thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu (thời gian sinh trưởng vụ xuân dưới 130 ngày, vụ hè thu dưới 110 ngày, cho năng suất trên 6,5 tấn/ha, chất lượng cao (amylose thấp hơn 20%, cơm ngon dẻo, kháng được bệnh đạo ôn và bạc lá, rầy nâu).
Giai đoạn 2022-2024, Viện đã thực hiện tổng cộng 30 tổ hợp lai từ phương pháp lai nhiều bố mẹ, qua đó xác định được 5 dòng lúa triển vọng gồm BTB26-16-1, BTB26-16-2, BTB26-18-3, BTB28-13-3, BTB28-13-4 với những đặc tính vượt trội, nhất khả năng kháng nòi nấm bệnh đạo ôn và chủng vi khuẩn bạc lá trong lây nhiễm nhân tạo (cấp bệnh 1-3).
Từ năm 2021-2023, Viện đã triển khai các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị với quy mô lên đến 240 ha. Qua đối chứng thấy rằng năng suất bình quân đạt từ 5,15 - 6,2 tấn/ha, quy đổi hiệu quả kinh tế cao hơn so với quy trình thông thường từ 21,5 - 40,3%... Riêng năm 2024, Viện tổ chức sản xuất 20 ha lạc theo chuỗi giá trị, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, gắn với truy xuất nguồn gốc tại xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) và xã Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, Quảng Trị).
Trong những năm gần đây, Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã đạt được các thành tựu nổi bật trong công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhiều loại giống cây trồng. Các giống cây trồng, tiến bộ kỹ thuật của Viện tạo ra bên cạnh cho năng suất, chất lượng cao thì điều quan trọng là thích hợp với điều kiện sinh thái – xã hội của vùng và được người dân địa phương chấp nhận và đánh giá cao. Bên cạnh đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào sản xuất./.
Đức Dũng
Bình luận