Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 23:02
Thứ năm, 20/02/2025 11:02
TMO - Việc ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến trong quản lý vận hành công trình vào thực tiễn đã và đang là động lực quan trọng, góp phần tạo những bước tiến vượt bậc cho ngành thủy lợi tỉnh Nam Định thời gian qua.
Trước yêu cầu của sản xuất nông nghiệp cũng như tình hình thời tiết tỉnh Nam Định đã tăng cường đầu tư thiết bị, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước mà còn giúp đối phó với những thách thức do biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản và các ngành nghề khác.
Toàn tỉnh có 5 hệ thống công trình thủy lợi với 69 lưu vực tưới tiêu do 8 Công ty Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) và các địa phương quản lý, khai thác, bảo vệ trên 9.000 công trình thủy lợi gồm 284 cống dưới đê; 4.519 cống nội đồng; 574 trạm bơm; 3.180 kênh mương… phục vụ cho gần 100 nghìn ha trồng lúa, rau màu, nuôi thủy sản và sản xuất muối.
Trong những năm qua, Sở NN&PTNT cũng đầu tư lắp đặt các trạm, điểm đo mực nước tự động trên các sông Đào, Đáy, Hồng, Ninh Cơ. Đồng thời, lắp đặt 8 camera giám sát đê điều, 7 camera theo dõi công trình phòng, chống thiên tai tại các khu vực trọng yếu, 2 thiết bị flycam phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai của các cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện và cấp xã. Để nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi, tỉnh đã chú trọng đầu tư các thiết bị công nghệ cao. Tỉnh đã lắp đặt được 28 trạm đo mưa, số liệu được cập nhật trên hệ thống điện tử.
Qua đó, thu thập đầy đủ, kịp thời dữ liệu về lượng mưa và dự báo các tình huống thời tiết cực đoan, từ đó chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nắm bắt các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, chủ động xây dựng kế hoạch, sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và phục vụ sản xuất.
Nam Định ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả vận hành các công trình thủy lợi.
Với hệ thống thủy lợi phía Bắc tỉnh tiêu chủ yếu bằng động lực, các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Mỹ Thành, Vụ Bản và Ý Yên đã áp dụng công nghệ cải tiến quy trình vận hành máy bơm, giảm tải biến áp và tiết kiệm điện. Đặc biệt, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Vụ Bản đã ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa vào quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành công trình phục vụ sản xuất, qua đó không những giúp tiết kiệm chi phí vận hành mà còn đảm bảo việc cấp nước cho 100% diện tích canh tác mà không xảy ra tình trạng úng hoặc hạn cục bộ.
Tại hệ thống thủy lợi phía Nam, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng đã đầu tư lắp đặt 2 hệ thống đo mực nước, đo mặn tự động tại cửa sông Đáy; Công ty TNHH một thành viên Xuân Thủy lắp đặt 11 hệ thống giám sát độ mặn tự động sử dụng năng lượng mặt trời tại các cống trên triền sông Hồng. Các thiết bị đo độ mặn này tự động truyền đến phần mềm quản lý hệ thống của các công ty giúp người quản lý cập nhật thông tin liên tục về độ mặn, mực nước tức thời đáp ứng yêu cầu điều hành hệ thống thủy lợi một cách nhanh nhất trong thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước phục vụ sản xuất và ngăn mặn.
Có thể nói, việc ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình vào thực tiễn đã và đang là động lực quan trọng, góp phần tạo những bước tiến vượt bậc cho ngành thủy lợi thời gian qua. Hiện nay, hệ thống thủy lợi không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn đáp ứng nhu cầu đa dạng như: Cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, đô thị, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hỗ trợ giao thông thủy, phát điện, du lịch, tạo cảnh quan
Việt Nam đã xây dựng được hơn 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200 ha trở lên, trong đó có 122 hệ thống vừa và lớn phục vụ hơn 2.000 ha. Ngoài ra, nước ta có hơn 40.000 km đê sông, biển được xây dựng phục vụ và bảo vệ hoạt động sản xuất, dân sinh. Cả nước có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 68 tỷ mét khối nước, góp phần điều hòa và phân bổ nguồn nước hiệu quả.
Các công trình thủy lợi bảo đảm nước tưới cho 4,3 triệu héc-ta đất canh tác, trong đó có 7,3 triệu héc-ta lúa được tưới hằng năm, chiếm 95% tổng diện tích gieo trồng; 500.000 ha cây trồng cạn được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; 8,4 triệu con gia súc, 480 triệu con gia cầm và gần 690.000 ha nuôi trồng thủy sản được cấp phục vụ chăn nuôi; cấp khoảng 6,5 tỷ mét khối nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp. Hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm kiểm soát mặn cho khoảng 1 triệu héc-ta đất nông nghiệp, kết hợp phát điện với tổng công suất 2.100 MW.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lĩnh vực thủy lợi cần những công nghệ hiện đại kết hợp với chuyển đổi số để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn đồng bộ. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mà còn hỗ trợ ra quyết định trong phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn đập và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc tăng cường kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cũng là nhiệm vụ trọng tâm.
Đẩy mạnh khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn là con đường duy nhất để ngành này tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai. Việt Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tiếp cận tri thức tiên tiến. Việc phát triển thủy lợi không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn mang lại giá trị lớn hơn trong cấp nước sinh hoạt, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, và phát triển kinh tế xã hội toàn diện. Với những nền tảng sẵn có và sự quyết tâm đổi mới, ngành thủy lợi Việt Nam hoàn toàn có thể đóng góp lớn hơn nữa vào sự thịnh vượng của đất nước.
Ngọc Anh
Bình luận