Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ tư, 07/02/2024 11:02
TMO - Việt Nam là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu với nhiều loại hình thiên tai. Vì vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phòng, chống thiên tai là giải pháp tối ưu góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Trong năm 2023, Việt Nam đã hứng chịu 1.135 trận thiên tai với 21 trên tổng số 22 loại hình thiên tai. Tính đến ngày 14/12/2023, thiên tai đã khiến 166 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.228 tỷ đồng. Thiên tai xảy ra ngày càng có xu hướng cực đoan, bất thường cả về cường độ, tần suất và không theo quy luật. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ hiện đại là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực chủ động phòng chống, giảm thiệt hại do thiên tai trên cả nước.
Trước diễn biến bất thường của thiên tai, ứng dụng KHCN và chuyển đổi số trong hoạt động phòng chống thiên tai được giới chuyên gia đánh giá sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, tránh bị động trong tình huống có thiên tai xảy ra. Cụ thể, trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhấn mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ theo dõi giám sát thiên tai, quản lý vận hành công trình phòng chống thiên tai. Theo đó, trong giai đoạn 2010-2020, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã triển khai nhiều mô hình vào dự báo nghiệp vụ. Các công nghệ dự báo mưa lớn cho một số khu vực trên cơ sở ứng dụng các mô hình số trị và kết hợp đồng hoá số liệu vệ tinh, ra đa...đã và đang được ứng dụng.
Nhiều tiến bộ KHCN đã được ứng dụng vào hoạt động để chuyển đổi số công tác dự báo, cảnh báo thiên tai như mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tự động (máy đo gió, máy đo khí áp, máy đo độ ẩm,...); thành lập các trung tâm thu nhận, xử lý, tính toán và ra bản tin cảnh báo mưa lớn có khả năng gây lũ quét; xây dựng bản đồ số hóa hệ thống công trình đê điều, hồ đập, bản đồ ngập lụt do nước dâng cho khu vực ven biển khi có tình huống bão mạnh và siêu bão đổ bộ;...
Trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ theo dõi giám sát thiên tai, quản lý vận hành công trình phòng chống thiên tai là điều quan trọng và tất yếu. Nhiều nghiên cứu, tiến bộ KHCN đã được ứng dụng vào hoạt động để chuyển đổi số công tác dự báo, cảnh báo thiên tai như mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tự động (máy đo gió, máy đo khí áp, máy đo độ ẩm,...).
Việc ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phòng, chống thiên tai là giải pháp tối ưu góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ số, hạ tầng quản trị số, khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh vào quản lý, khai thác hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai; quan trắc công trình, kiểm tra, kiểm định, đánh giá, đề xuất các giải pháp, công cụ đánh giá an toàn đập, chủ động ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với đập, hồ chứa nước, giảm thiểu ảnh hưởng của sự cố đập, hồ chứa đến hạ du; quan trắc, giám sát công trình đê điều, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nguồn nước, số lượng nước, chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi...
Triển khai nghiên cứu, phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để sử dụng nước tiết kiệm; đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên diện rộng. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để dự báo, đánh giá khả năng sinh thủy, đề xuất giải pháp phát triển, bảo vệ, nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm tăng khả năng sinh thủy; bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số, hạ tầng quản trị số, khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai; ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới trong thiết kế, xây dựng công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai. Lồng ghép, triển khai các đề tài, chương trình khoa học và công nghệ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến để đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia không còn phù hợp thuộc lĩnh vực phòng chống thiên tai và thủy lợi theo thẩm quyền.
Hiện nay trên thế giới, công nghệ mới nổi bao gồm cả trí tuệ nhân tạo AI - Big Data (Dữ liệu lớn) đã và đang được chính phủ nhiều nước áp dụng để bảo vệ người dân khu vực thường bị hứng chịu thảm họa thiên tai, đồng thời giúp các cơ quan chính phủ, nhà nước lên phương án chuẩn bị, chủ động ứng phó với các tình trạng thiên nhiên khẩn cấp. Biến đổi khí hậu khiến trái đất ngày một nóng lên làm các thảm họa dự kiến ngày càng nhiều hơn. Do đó việc ứng dụng khoa học công nghệ góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên là điều cấp thiết. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN là hướng đi đúng đắn giúp nhà nước, cơ quan chức năng tăng khả năng dự báo, cảnh báo để có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả.
Mai Hương
Bình luận