Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ ba, 28/12/2021 15:12
TMO - Nhằm đảm bảo cho quá trình sản xuất đạt tiêu chuẩn Châu Âu, Viện Môi trường Nông nghiệp đã tìm ra 10 chủng vi sinh vật có hoạt tính ức chế nấm gây bệnh đốm nâu trên cây thanh long.
Thanh long là một trong những cây ăn quả cho giá trị xuất khẩu cao, được trồng nhiều ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Tuy nhiên những năm gần đây, dịch hại, đặc biệt là bệnh đốm nâu đã làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm này.
Bệnh đốm nâu bùng phát trên quả thanh long gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm.
Mặc dù việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật được cho phép để kiểm soát bệnh đốm nâu thanh long tương đối hiệu quả. Nhưng do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm, việc xuất khẩu thanh long ra các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật... gặp rào cản.
Trước vấn đề này, Viện Môi trường Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu sử dụng vi sinh vật làm tác nhân sinh học kiểm soát bệnh đốm nâu thanh long. Đây là hướng nghiên cứu tích cực, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, an toàn để xuất khẩu, tiêu dùng trong nước cũng như góp phần hạn chế sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp.
Để xác định mật độ vi sinh vật, các nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp đã dựa trên phương pháp nuôi cấy trên môi trường thạch đĩa, tính số lượng vi sinh vật trên ml hoặc trên gam mẫu thông qua số khuẩn lạc phát triển trong các đĩa môi trường.
Đồng thời, thực hiện việc xác định hoạt tính sinh học (khả năng ức chế nấm) của các chủng vi sinh vật theo phương pháp đo vòng khuyếch tán trên môi trường thạch, Viện Môi trường Nông nghiệp đã sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử giải trình tự đoạn gen của các chủng vi sinh vật nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu đã so sánh với các trình tự có sẵn trong ngân hàng gen quốc tế EMBL bằng phương pháp FASTA 33 để định loại đến loài các chủng vi sinh vật. Sau khi đối chiếu với danh mục các loài vi sinh vật an toàn của Cộng đồng Châu Âu, nhóm nghiên cứu đã xác định và đảm bảo được tính an toàn của chủng vi sinh vật lựa chọn.
Từ các mẫu đất của các vườn thanh long bị bệnh đốm nâu được lấy ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, nhóm các nhà khoa học của Viện Môi trường Nông nghiệp đã tiến hành phân lập và tuyển chọn được 10 chủng vi sinh vật có hoạt tính ức chế nấm gây bệnh.
Về an toàn sinh học, theo Hướng dẫn số 90/679/EWG của Cộng đồng châu Âu, nhóm tác nhân sinh học được phân làm 4 cấp độ an toàn, trong đó chỉ các vi sinh vật ở cấp độ 1 và 2 được ứng dụng trong sản xuất ở điều kiện bình thường. Mức an toàn sinh học 1 - 4 là các mức an toàn sinh học chung, chủ yếu cho các tác nhân sinh học như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng.
Bệnh đốm nâu thanh long từng được xem là "nan y" với nhiều vựa thanh long lớn. Sau khi có những hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh, kết hợp vệ sinh mầm bệnh tại vườn, vệ sinh đồng ruộng, thăm vườn thường xuyên, loại bỏ những cành, quả bị bệnh, thu gom chôn lấp, rắc vôi bột tiêu hủy, đến nay bệnh đốm nâu thanh long không còn đáng ngại.
Nguyễn Ngọc
Bình luận