Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Chủ nhật, 03/12/2023 07:12
TMO - Trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chứng minh tính ưu việt và đạt hiệu quả cao. Trước sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, có thể khẳng định rằng công nghệ số sẽ thúc đẩy ngành Du lịch Thủ đô phát triển bền vững.
Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) là một trong những quần thể kiến trúc lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, là di tích tiêu biểu, điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế. Tại Di tích này, các ứng dụng công nghệ hiện đại đã được áp dụng triển khai như: Hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (thông qua quét mã QR Code); hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI.
Đặc biệt cuối năm 2021, với mong muốn đưa không gian Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở thành không gian văn hóa với các hoạt động văn hóa cả ngày và đêm, có thêm nhiều những sản phẩm phục vụ du khách tham quan, Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã đưa vào thử nghiệm màn trình diễn công nghệ đồ bản 3D Mapping. Cùng với việc phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ, trung tâm cũng bước đầu tiếp cận, triển khai và ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp với nghệ thuật tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học, quảng bá giá trị di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở nên hiệu quả hơn. Sử dụng sức mạnh của công nghệ số trong các trưng bày, triển lãm tại di tích như trưng bày “Chu Văn An - Thượng tường Sơn đẩu”, trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên”, triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh của di sản Hà Nội giai đoạn 1989 - 1954”.
Ngoài Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nhiều điểm đến khác của Hà Nội từ lâu cũng áp dụng công nghệ số phục vụ khách du lịch như: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội thường xuyên kết hợp tổ chức các triển lãm, trưng bày theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh việc giới thiệu các triển lãm, trang “trungbayonline”, “hoangthanhthanglong.vn” còn giới thiệu các tour tham quan ảo 360 độ giới thiệu về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu tại đây và các sự kiện lớn của đất nước. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã thực hiện số hóa các tài nguyên hiện có. Việc xây dựng website, hình ảnh, âm thanh… được ghi lại dưới định dạng mp4, jpg, tham quan trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, đồ họa 3D… đã mang lại những trải nghiệm chân thật nhất cho du khách thời gian qua.
Nhiều di sản tại Hà Nội được số hóa, tăng trải nghiệm cho du khách. Ảnh: MM.
Làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm là làng nghề đầu tiên ứng dụng công nghệ VR3D giúp du khách tham quan làng nghề và hòa mình vào lễ hội làng với đầy đủ các phong tục, nghi lễ truyền thống thông qua trải nghiệm công nghệ thực tế ảo. Với hơn 5.900 di tích lịch sử, văn hóa, Hà Nội có tài nguyên di sản giàu có, đa dạng. Đây là nguồn lực lớn để phát triển văn hóa, thu hút khách du lịch đến với thủ đô. Việc đẩy mạnh số hóa các di tích lịch sử không những góp phần lưu trữ tư liệu, hình ảnh quý mà còn giúp người dân và du khách hiểu thêm về văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ trong bảo tàng, di tích là sử dụng công nghệ để tinh chỉnh, thiết kế thông tin thêm cuốn hút và dễ dàng thẩm thấu hơn, qua đó góp phần thay đổi trải nghiệm văn hóa, làm cho nó trở nên hấp dẫn hơn đối với công chúng. Để bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội đã và đang tích cực tìm tòi, nghiên cứu, khai thác công nghệ cho mục tiêu đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai các chương trình kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cũng như triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh nhằm cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ của ngành du lịch, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng tiện ích cho người dân và khách du lịch.
Có thể kể tới việc tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của TP; bổ sung thêm ngôn ngữ (6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn), vận hành và thường xuyên nâng cấp trang web du lịch Hà Nội để tăng cường và liên kết giữa khách du lịch - các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; chia sẻ dữ liệu cùng các đơn vị công nghệ phát triển các ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch
Hiện nay, ở các địa phương trên cả nước, việc số hóa di sản đang được thực hiện tùy thuộc vào nguồn lực. Tuy nhiên quá trình số hóa mới ở mức độ đơn giản với kỹ thuật cơ bản là scan hiện vật khảo cổ, tượng, công trình kiến trúc, hoa văn có sẵn. Quá trình này mới chỉ mang tính chất lưu trữ tư liệu và bảo tồn hiện vật, làm nền tảng cho công tác số hóa sau này. Nguồn lực di sản của Việt Nam vô cùng dồi dào, trải dài theo chiều dài lịch sử đất nước. Việc số hóa cần được tiến hành song song với ứng dụng công nghệ, đầu tư, khai thác để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy, cần một chiến lược và kế hoạch tổng thể thúc đẩy bảo tồn, phát huy giá trị nguồn lực di sản.
Mục tiêu của chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất. Hiện nay, Việt Nam chưa có chuyên ngành đào tạo di sản số hóa. Các cơ quan nhà nước được đầu tư về kết cấu hạ tầng nhưng nguồn lực con người cũng như năng lực triển khai số hóa hạn chế, cán bộ chủ yếu là chuyên gia nghiên cứu hoặc làm công tác quản lý mà chưa rành rõ về làm công nghệ.
Nguyễn Mai
Bình luận