Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ năm, 30/11/2023 07:11
TMO - Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã bước đầu ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ nông sản. Các ngành chức năng của tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Thái Nguyên hiện có trên 170 sản phẩm nông nghiệp được xếp hạng OCOP từ 3-5 sao. Đến nay, cơ bản các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm và đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã góp phần mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị chuyên môn tập huấn đào tạo kỹ năng số cho 185.673 hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, đã hỗ trợ 166.901 hộ gia đình lên sàn TMĐT, mở 15.961 gian hàng, với 1.971 sản phẩm nông nghiệp. Các trang TMĐT đã mở 247.329 tài khoản người mua, mở 15.974 tài khoản thanh toán, với 886 hộ gia đình được gán nhãn (mark) thương hiệu sản phẩm trên sàn TMĐT; hướng dẫn xây dựng kịch bản và kỹ thuật livestream bán nông sản trên mạng xã hội cho trên 2.500 chủ thể sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác, catalogue sản phẩm; hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch và Website quảng bá sản phẩm cho trên 100 doanh nghiệp, hợp tác xã.
Nông sản chủ lực của tỉnh Thái Nguyên được quảng bá rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử.
Đến nay, cơ bản 100% các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được hỗ trợ và đưa lên 02 sàn là Postmart và Vỏ sò phục vụ quảng bá và phát triển thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Giai đoạn 2021-2022, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh 782.096 tem truy xuất nguồn gốc QRCode, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin sản phẩm, địa chỉ nhà sản xuất, tiêu chuẩn áp dụng, quy trình sản xuất… từ đó góp phần quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh đã sử dụng trên 6,5 triệu tem truy xuất nguồn gốc QRCode; phối hợp xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên nền bản đồ số “Thái Nguyên SmartTrees”; đồng thời, sử dụng hiệu quả phần mềm Quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Thủy lợi Việt Nam (thuyloivietnam.vn); đưa vào sử dụng phần mềm Quản lý khách hàng, ghi chỉ số và hóa đơn điện tỷ (citywork.vn) trên ứng dụng di động hỗ trợ 25 công trình cấp nước nông thôn và phục vụ 20.000 hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của ngành chức năng, kết quả hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT đã tạo động lực mới thu hút nhiều nguồn lực cho lĩnh vực nông nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, của ngành, từng bước hình thành cộng đồng doanh nghiệp số lĩnh vực nông nghiệp. Các hợp tác xã, tổ hợp tác từng bước chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, áp dụng chuyển đổi số để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị và quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại hiện nay bằng việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Do đó xác định ứng dụng công nghệ số vào xây dựng nông thôn mới nói chung sẽ bắt đầu từ các khâu: tổ chức thực hiện, quản lý cho đến việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đều có ý nghĩa rất lớn. Thời gian vừa qua, trong quá trình tập huấn, đào tạo, tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương cũng đã gắn kết để đưa các nội dung chuyên đề này vào triển khai thực hiện giúp người dân hiểu được tầm quan trọng và xác định đây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Livestream nông sản trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội góp phần kích cầu tiêu thụ hiệu quả.
Trong sản xuất, tuỳ từng điều kiện của các địa phương, các HTX và cơ sở sản xuất mà có thể ứng dụng chuyển đổi số từ khâu sản xuất đến khâu chế biến. Đặc biệt trong những năm qua, thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", để các sản phẩm đạt được tiêu chuẩn hoá sản phẩm OCOP, các địa phương cũng đã áp dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất tương đối lớn. Từ đó việc ứng dụng thương mại điện tử đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP trở nên rất thuận lợi.
Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, việc các HTX cũng như các địa phương ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, sản xuất đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm đã rất thành công. Chính vì vậy, các sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên đã được quảng bá rộng rãi trên toàn quốc, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhờ đó, giá thành và giá trị gia tăng của các sản phẩm này tăng lên rất cao, ít nhất từ 20% trở lên. Thậm chí có những sản phẩm tăng từ 50 – 70% giá trị gia tăng, doanh thu của các HTX trên địa bàn đều tăng. Đây là thành công rất lớn trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp".
Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm của nông dân từ 20 – 70% mà còn giúp từng bước xây dựng, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ đạt chuẩn nông thôn mới đến nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu... Định hướng giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có trên 200 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên, có ít nhất 10 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã đưa ra các giải pháp đồng bộ, tập trung phát huy lợi thế các địa phương, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn: Vietgap; Organicl GlobalGap; GMP; ISO, HACCP… tăng cường nguồn lực và xây dựng cơ chế hỗ trợ các chủ thể tham gia chu trình sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, chú trọng truy suất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, đảm bảo quy trình chất lượng để xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xây dựng hồ sơ bộ quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP… Đồng thời, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức về phát triển các sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.
Thái Hà
Bình luận