Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/04/2025 09:04
Thứ hai, 31/03/2025 10:03
TMO - UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ, tạo lập, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cua biển.
Dự án do Công ty TNHH Nghiên cứu và Đầu tư S&D triển khai tại các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú và thị xã Duyên Hải trong thời gian 24 tháng (2025 - 2027) với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách khoa học công nghệ.
Mục tiêu của Dự án là đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm cua biển của tỉnh Trà Vinh nhằm bảo vệ uy tín, danh tiếng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo sản phẩm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm được bảo hộ, bảo đảmvệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Người dân thu hoạch cua biển trong rừng ngập mặn kết hợp với nuôi tôm sú. Ảnh: BDV.
Qua đó, xác định cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn của những yếu tố về tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm cua biển của tỉnh Trà Vinh; bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm cua biển của tỉnh Trà Vinh;
Xây dựng hệ thống văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý, xây dựng mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm cua biển của tỉnh Trà Vinh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm cua biển mang chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh”; xây dựng hệ thống công cụ nhận diện thương hiệu, quảng bá, phát triển các kênh thương mại tiêu thụ sản phẩm cua biển mang chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh".
Sở Khoa học và Công nghê tỉnh Trà Vinh được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, đảm bảo dự án thực hiện đúng mục tiêu, nội dung và tiến độ đề ra. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” không chỉ giúp bảo vệ thương hiệu cua biển địa phương mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản tại tỉnh.
Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Trà Vinh tổ chức triển khai thực hiện 30/30 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ, tổng kinh phí trên 30,8 tỷ đồng; trong đó, có 25 nhãn hiệu chứng nhận và 05 chỉ dẫn địa lý. Nổi bật là kết quả xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý dừa sáp Trà Vinh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định số 653/QĐ-SHTT, ngày 05/08/2024, có 06 nhãn hiệu chứng nhận được xác lập quyền gồm: tôm Trà Vinh, cua Trà Vinh, lúa gạo hữu cơ Trà Vinh, tôm hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh, thanh long Trà Vinh, bưởi Trà Vinh.
Hỗ trợ cập nhật và bổ sung mới thông tin của 65 lượt cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) là chủ thể OCOP với 85 loại sản phẩm OCOP, hơn 20 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các loại sản phẩm đạt chứng nhận khác như sản phẩm an toàn, VietGAP, ISO,...
Đến nay, đưa lên sàn thương mại 205 cơ sở, doanh nghiệp, HTX với 953 loại sản phẩm. Trong đó, có 171 doanh nghiệp với 276 loại sản phẩm OCOP, 77 loại sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (đạt chứng nhận cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia) và 34 doanh nghiệp với trên 450 loại sản phẩm đạt chứng nhận khác,...
Dự kiến đến tháng 4/2025, sẽ có thêm 06 nhãn hiệu được xác lập quyền (yến sào Trà Vinh, lác Trà Vinh, hành tím Duyên Hải-Trà Vinh, xoài Trà Vinh, nghêu Trà Vinh, chứng nhận logo dừa sáp Trà Vinh) và 40 sản phẩm gắn với Chương trình OCOP cũng được xác lập nhãn hiệu độc quyền. Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện 35 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ, tổng kinh phí 40,3 tỷ đồng; trong đó, có 08 nhiệm vụ xây dựng chỉ dẫn địa lý và 27 nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận./.
Đức Dũng
Bình luận