Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 16:01
Thứ ba, 20/02/2024 15:02
TMO - Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng, góp phần quan trọng trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá. Tuy nhiên, hoạt chế biến nông sản ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp trong chế biến còn thấp dẫn đến nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu sản ước đạt trên 53 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành năm 2023 đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.
Nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Việt Nam hiện đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu; đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Ngoài ra, các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như: Ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu... Các thị trường nhập khẩu gia vị Việt Nam cũng ngày càng đa dạng như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.
Dù đạt nhiều kết quả khả quan, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết sản xuất theo chuỗi liên kết, trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp. Nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản dẫn đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu.
Để tăng năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản, các chuyên gia cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản sâu để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm...
Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ... Đây là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, dù sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường xuất khẩu nhưng các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, và chưa qua đường chính ngạch nhiều.
Ảnh minh họa.
Tại tỉnh Hải Dương, hiện có hơn 12.000 cơ sở chế biến nông sản, tuy nhiên các sản phẩm nông sản hiện tại hầu hết xuất phát từ các hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ chiếm 98%, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Hay tại Bình Phước, HTX chuyên về sản xuất, xuất khẩu hạt điều rang muối, dù sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 9001:2015, OCOP 4 sao của tỉnh Bình Phước thế nhưng trong những tháng đầu năm, đơn hàng xuất khẩu của HTX này chưa nhiều, chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô sang thị trường Trung Quốc.
Điều đó cho thấy các doanh nghiệp, đơn vị chế biến sâu sản phẩm nông sản còn rất ít nên chưa hình thành được chuỗi giá trị khép kín sản xuất - chế biến – tiêu thụ sản phẩm, trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp. Các cơ sở chế biến còn sử dụng chủ yếu thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu tốn nhiều nguyên liệu, năng suất thấp. Trong nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, tỷ lệ chế biến, chế biến sâu còn hạn chế, như cà phê chỉ chiếm khoảng 15%, rau quả 10% (còn lại tiêu thụ tươi), điều và tiêu 10-15%. Tuy nhiên, vẫn có những nông sản có tỷ lệ chế biến cao như lúa gạo 55-60%, chè 40%, điều 80%, mía đường 73%, hồ tiêu 56%...
Giải pháp để thúc đẩy giảm xuất khẩu nông sản thô, hướng tới xuất khẩu nông sản chế biến sâu đó là tích cực ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, tăng cường áp dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất chế biến. Liên tục đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất để nâng cao nắng suất, năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu. Ứng dụng các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, vật liệu mới,...
Ngoài ra các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản. Đồng thời thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Cùng với đó để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản chế biến thì công nghệ bảo quản cũng cần phải chú trọng quan tâm. Đẩy mạnh việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, thủy sản xuất khẩu. Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.
Theo Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 50-51 tỷ USD, kết quả năm 2022 đã vượt chỉ tiêu này nhưng trên thực tế cơ cấu chế biến vẫn đạt rất thấp. Chính vì thế mục tiêu chính trong giai đoạn tới là xây dựng chính sách hỗ trợ công nghệ về bảo quản, chế biến sâu, đóng gói với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản.
Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa, tăng cường đầu tư dây chuyền công nghệ cao để đưa ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tập trung vào các lĩnh vực sau thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, hạ tầng cơ sở, quản lý chất lượng nông sản sau chế biến... Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới.
Mạnh Đức
Bình luận