Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ năm, 08/06/2023 07:06
TMO - Lục Ngạn là vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước và tỉnh Bắc Giang. Năm 2023, dự kiến sản lượng toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn. Nhằm đảm bảo tiêu thụ thuận lợi vải thiều khi bước vào vụ thu hoạch, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn đã triển khai đồng bộ các giải pháp.
UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm 2023 tổng diện tích sản xuất vải của huyện là 17.000 ha, trong đó có gần 13.500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; dự kiến sản lượng toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 25/5 đến cuối tháng 7 năm 2023. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 6.000 tấn vải chín sớm, trong đó 59% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 41% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý từ năm 2008, bảo hộ nhãn hiệu tại 8 nước, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm trái cây đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản năm 2021. Hiện nay, huyện Lục Ngạn đã thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung với 88 mã số vùng trồng đảm bảo đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch (gồm các thị trường: Trung Quốc 35 mã; Mỹ, Australia, EU 19 mã; Nhật Bản 32 mã; Thái Lan 2 mã). Trên địa bàn huyện có 173 cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện hoạt động xuất khẩu.
Huyện Lục Ngạn đã chủ động triển khai các phương án xúc tiến, tiêu thụ vải thiều năm 2023. Ảnh: VS.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm nay vải thiều Lục Ngạn tiếp tục có chất lượng vượt trội, mã đẹp. Với phương châm coi trọng tất cả các thị trường, cả trong nước, nước ngoài, huyện có nhiều đổi mới trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Để phát huy tiềm năng, lợi thế trên, khi bước vào mùa vải chín, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn đã nhanh nhạy chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh vải thiều gắn với khai thác phát triển du lịch nông nghiệp miệt vườn, sinh thái, trải nghiệm, du lịch văn hóa, cộng đồng.
Huyện đã tổ chức những sự kiện truyền thông, dịch vụ, du lịch hấp dẫn như: Chào bán toàn bộ cây vải trong một vụ cho khách hàng theo mô hình “Cây vải vườn nhà”; biểu diễn nghệ thuật tại vườn vải thiều; mở cửa vườn đón khách du lịch trải nghiệm và mua sản phẩm trực tiếp; liên kết với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour tham quan, thưởng thức vải thiều… Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều để xuất khẩu, nhiều thương nhân đã sớm tìm hiểu, ký kết hợp đồng, giám sát tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn. Đến nay đã có 204 thương nhân Trung Quốc được đồng ý đến Lục Ngạn để thu mua vải thiều.
Trước đó, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ vải thiều gắn với thu hút phát triển du lịch năm 2023. Năm nay, huyện Lục Ngạn xác định hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi và chế biến vải thiều tại chỗ bằng hình thức sấy khô, đóng hộp, ép nước…2 thị trường chính được huyện xác định là xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Dự kiến có hơn 43,3 nghìn tấn sẽ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, các nước EU…Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm từ 85 đến 90% sản lượng xuất khẩu. Tiêu thụ trong nước khoảng 35 nghìn tấn tập trung vào các Trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, các nhà, kênh phân phối…
Ngoài ra huyện cũng đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử khoảng 7 nghìn tấn; sấy khô 9,5 nghìn tấn còn lại bảo quản lạnh, chế biến sâu khoảng 3,2 nghìn tấn. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo sâu hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài nhập cảnh vào địa phương thu mua, chế biến vải thiều.
Tăng cường các biện pháp đảm bảo cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ; bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, tạo thuận lợi cho hoạt động thu hoạch, chế biến, tiêu thụ vải thiều. Đặc biệt, để tạo điểm nhấn cho vụ thu hoạch vải thiều, huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức Chương trình du lịch “ Lục Ngạn mùa vải chín” lựa chọn các nhà vườn đẹp, kết nối, xây dựng các tua, tuyến du lịch trải nghiệm mùa vải, gắn với các điểm du lịch, thắng cảnh đẹp của huyện. Chương trình được tổ chức với một chuỗi các hoạt động trải nghiệm, văn hóa hấp dẫn.
Nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều trên địa bàn, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND huyện Lục Ngạn và các địa phương trồng vải trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn bà con vùng trồng vải tiếp tục thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất và an toàn từ khâu sản xuất, thu mua, lưu thông, tiêu thụ; ứng dụng công nghệ, tem truy xuất nguồn gốc; quản lý mã số vùng trồng, mã số đóng gói đảm bảo các điều kiện sạch và an toàn thực phẩm.
Tiếp tục chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội... Tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng ngành đường sắt Việt Nam, Hải Quan, Quản lý cửa khẩu; các công ty khai thác vận tải đường sắt, các doanh nghiệp… để vận chuyển vải thiều tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc bằng hệ thống đường sắt; giảm tải áp lực xuất khẩu vải thiều qua các cửa khẩu đường bộ.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn chuẩn bị các điều kiện, tạo thuận lợi hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất như: Nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác.
UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các địa phương trồng vải thiều triển khai hiệu quả phương án tiêu thụ sản lượng vải năm nay.
Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, năm nay Bắc Giang duy trì hơn 29.000ha vải, với sản lượng khoảng 180.000 tấn. Do đó, việc chủ động kết nối cung cầu là cách để quả vải có thể đi xa và nông dân có thu nhập ổn định. Từ cuối tháng 4/2023, tỉnh đã xúc tiến tiêu thụ và đã ký kết gần 40 hợp đồng, biên bản ghi nhớ cho tiêu thụ vải thiều, với sản lượng hơn 110.000 tấn. Các huyện Tân Yên, Lục Ngạn cũng đã tổ chức các đoàn xúc tiến tại Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Đến nay đã có trên 200 thương nhân Trung Quốc đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam để đến Bắc Giang tham gia giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều. Thời gian thu hoạch vải thiều chín sớm sẽ kéo dài trong khoảng 20 ngày. Trà vải chính vụ sẽ được thu hoạch từ mùng 10/6 tới.
Riêng quả vải thiều, niên vụ năm 2023, Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng 96.000 tấn vải thiều, chiếm khoảng 53% sản lượng và tăng 15,2% so với niên vụ 2022. Thị trường xuất khẩu chính của vải thiều Bắc Giang, gồm: Trung Quốc, EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Đông Nam Á, một số nước ở khu vực Trung Đông… Thời điểm này, các cơ sở sơ chế, đóng gói, sản xuất hàng phụ trợ, thương mại dịch vụ phục vụ mùa vải trên địa bàn một số huyện của Bắc Giang, đặc biệt là huyện Lục Ngạn đang đẩy mạnh hoạt động.
Dự kiến năm nay là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang sẽ xuất khẩu bằng đường sắt qua ga liên vận quốc tế Kép, Lạng Giang (Bắc Giang). Dự kiến trung bình một ngày có thể vận chuyển được 300 tấn vải từ ga Kép (Lạng Giang) sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Việc vận chuyển bằng đường sắt sẽ giúp thời gian di chuyển nhanh hơn, khắc phục được tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, nhờ đó chất lượng quả vải sẽ được đảm bảo hơn.
Hồng Thái
Bình luận