Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 23:11
Chủ nhật, 30/04/2023 12:04
TMO - Để chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, tỉnh Thái Bình triển khai các giải pháp theo phương châm "4 tại chỗ", chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, tài chính, ngân sách ứng phó với các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và các đợt mưa lớn kéo dài.
Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, số lượng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới trong năm 2023 hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và Thái Bình xấp xỉ trung bình nhiều năm; có khoảng 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thái Bình là từ 2-3 cơn.
Bên cạnh đó, cần đề phòng khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh không theo quy luật và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như dông, lốc, sét xảy ra với tần suất lớn; gió mạnh khi xảy ra mưa dông và hoạt động của các vùng áp thấp nóng phía Tây trên vùng biển ngoài khơi và ven biển hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Có khả năng xảy ra từ 4-6 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt (kéo dài từ 2 ngày trở lên); thời gian nắng nóng kéo dài và cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Tổng lượng mưa toàn mùa các khu vực trên địa bàn tỉnh ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Có khả năng xuất hiện từ 8-10 đợt mưa lớn diện rộng. Có khả năng mưa lớn xuất hiện vào cuối mùa mưa bão.
Chủ động triển khai các giải pháp theo phương châm "4 tại chỗ" trong mùa bão lũ là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu (Ảnh minh họa).
Trước tình hình đó, tỉnh Thái Bình đã chủ động triển khai các giải pháp theo phương châm "4 tại chỗ", chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, tài chính, ngân sách ứng phó với các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và các đợt mưa lớn kéo dài. Huy động lực lượng, phương tiện hướng dẫn các chủ tàu thuyền, người dân khu vực ngoài đê vào nơi tránh trú bão an toàn. Chủ động bảo đảm tiêu thoát nước, bảo vệ lúa, hoa màu và vùng nuôi trồng thủy sản.
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên; chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT&TKCN, đặc biệt là việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” của các địa phương, cơ quan, đơn vị; tăng cường thông tin tuyên truyền một cách toàn diện về công tác phòng, chống thiên tai, để các địa phương, đơn vị và người dân không chủ quan, lơ là trước diễn biến, các hình thái thiên tai như: dông, lốc, sét, nắng nóng, mưa lớn…; các huyện, thành phố chuẩn bị sẵn sàng phương tiện tuyên truyền lưu động; tiếp tục làm tốt công tác dự báo thiên tai, bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời.
Các cấp, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm còn tồn đọng, không để vi phạm mới phát sinh hoặc tái vi phạm trên địa bàn. Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã khẩn trương kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, triển khai công tác đánh giá hiện trạng công trình đê, kè, cống trước mùa mưa bão; phân loại các trọng điểm xung yếu đê, kè, cống để có giải pháp duy tu, sửa chữa.
Tỉnh Thái Bình xác định đảm bảo an toàn đê điều là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên trong công tác phòng chống thiên tai.
Tỉnh Thái Bình với địa thế được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín có tổng chiều dài 584,6km, nên việc thường xuyên tu bổ, gia cố và quản lý công trình đê điều của địa phương có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống lụt bão. UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương hoàn thành công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều và công trình đang thi công liên quan đến đê điều, thủy lợi. Trong đó, huy động mọi nguồn lực của địa phương để xử lý sự cố đê điều, thủy lợi phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ bão và tu bổ thêm các hạng mục cần thiết.
Xây dựng và phê duyệt phương án trọng điểm xung yếu đê, kè, cống. Kế hoạch di dời người dân ở các khu vực nguy hiểm khi có lũ, bão sát với tình hình thực tế, triển khai đến các cụm phòng chống lụt bão trước ngày 20/5/2023. Các huyện, thành phố trên địa bàn chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ trước ngày 15/5. Bên cạnh đó, xây dựng phương án chống úng cho các vùng trọng điểm; triển khai công tác tu bổ, sửa chữa, nâng cấp công trình trạm bơm, cống đập, bờ vùng và các loại phương tiện bơm tát trước ngày 20/6.
Lê Bình
Bình luận