Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 06/10/2024 21:10
Thứ sáu, 26/05/2023 13:05
TMO - Để chủ động phòng chống thiên tai, giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong đó chú trọng đến các phương án phòng chống lũ, phát triển hệ thống đê điều, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai của địa phương.
Bão và áp thấp nhiệt đới là các hiện tượng thiên tai thường xảy ra ở vùng bờ biển Quảng Ninh với tốc độ gió mạnh nhất có thể lên tới 40 –50m/s (cấp 13 –16). Với trên 250km bờ biển, Quảng Ninh là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của bão lũ. Đặc biệt bão thường kèm theo mưa lớn trên diện rộng, sóng to và nước dâng gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và tính mạng của người dân. Theo thống kê, hệ thống đê trên địa bàn tỉnh dài tổng cộng 397 km, bao gồm đê cấp III–V, trong đó đê sông dài 46 km, đê cửa sông dài 32 km và đê biển dài 318 km.
Trong công tác phòng chống thiên tai đặc biệt là với bão lũ, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn và tính mạng cho người dân trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét, trong đó chú trọng đến việc triển khai hiệu quả các phương án phòng chống bão lũ, phát triển, hoàn thiện hệ thống đê điều, nâng cao năng lực ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai.
UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương triển khai hiệu quả phương án phòng chống lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Địa phương này chủ động phân vùng rủi ro đối với các loại hình thiên tai mà Quảng Ninh thường xuyên gặp phải. Đối với bão, vùng ảnh hưởng là toàn bộ địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ninh. Đối với lũ quét, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét là các huyện, thành phố miền núi như Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà và Móng Cái. Đối với lũ sông, phạm vi ảnh hưởng chủyếu là hệ thống đê sông. Các huyện, thị xã, thành phố có sông đi qua đều có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong đó khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của lũ sông nhất là thị xã Đông Triều. Đối với mưa lớn, đây là là loại hình thiên tai có ảnh hưởng lớn, toàn diện đến tỉnh và kéo theo các loại hình như lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2023 là năm chuyển pha ENSO, thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh, trên phạm vi toàn quốc cũng như biển Đông, cần đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác. Để chủ động phòng chống thiên tai, nhiều giải pháp đã được triển khai, trong đó tăng cường đảm bảo an toàn đê điều được tỉnh Quảng Ninh chú trọng chỉ đạo các địa phương quan tâm thực hiện.
Trước dự báo về tình hình thiên tai, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt đã xây dựng phương án phòng chống lũ và phát triển hệ thống đê điều. Trong đó, phương án phòng chống lũ của các tuyến sông có đê: Thực hiện theo Quyết định số257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 về việc Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình quy hoạch đến 2030, khu vực dọc tuyến sông Kinh Thầy và sông Đá Bạch qua địa bàn thị xã Quảng Yên, TP. Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh (khu vực chịu ảnh hưởng điều tiết của hồ chứa lớn ở thượng lưu) đảm bảo an toàn với lũ thiết kế có chu kỳ lặp lại 300 năm (tần suất 0,33%).
Mực nước và lưu lượng lũ thiết kế sông Kinh Thầy và sông Đá Bạch đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện theo Quyết định số 3032/QĐ-BNN-TCTL về việc quy định mực nước, lưu lượng lũ thiết kế cho các tuyến đê thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Các giải pháp kỹ thuật của phương án phòng, chống lũ: Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng cây chắn sóng bảo vệ đê; xây dựng tu bổ đê điều; làm thông thoáng dòng chảy; tổ chức quản lý và hộ đê...
Phương án phát triển hệ thống đê biển, đê cửa sông được Thực hiện Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình Nâng cấp hệ thống đê biển đã có từ Quảng Ninh đến Quảng Nam. Quảng Ninh đã hoàn thành được 17/20 dự án nâng cấp đê biển, ngoài ra có 03/20 dự án không thực hiện nâng cấp do chuyển đổi mục đích sử dụng đối với khu vực bảo vệ và khu vực phía biển của tuyến đê nên không cần thiết đầu tư xây dựng.
Thông số kỹ thuật của các tuyến đê biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phải đảm bảo đáp ứng theo tiêu chuẩn TCVN 9901–2014 Công trình Thủy lợi –Yêu cầu thiết kế đê biển. Phân cấp đê: Tuyến đê Hà Nam được phân cấp là đê cấp III, một sốtuyến đê cấp IV, V đã được phân cấp theo QĐ 2448 về phân cấp đê trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các tuyến đê biển, đê cửa sông chưa được phân cấp trong QĐ 2448 đề nghị tiếp tục phân cấp IV với các tuyến đê Hà Dong (huyện Tiên Yên), đê HồNam (TP. Móng Cái ); phân cấp đê cấp V với các tuyến đê Đông Nam, Đồng Rui (huyện Tiên Yên), đê Bà Vấn (TP. Móng Cái).
Rà soát hiện trạng, nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển nhằm nâng cao năng lực ứng phó với bão lũ là nhiệm vụ được các địa phương đẩy mạnh triển khai.
Đê biển phải bảo đảm chống bão, nước biển dâng theo quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế đê biển và phải bao gồm cảdiện tích trồng cây chắn sóng; đối với đê sông, đê cửa sông, đê bối, đê bao và đê chuyên dùng phải bảo đảm an toàn ứng với mực nước lũ thiết kếvà có giải pháp đểbảo đảm an toàn đê khi xẩy ra lũ lịch sử; không ảnh hưởng đến quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê và cả hệ thống sông; đồng thời phải phù hợp giữa các địa phương liên quan.
Đối với đê sông, tỉnh cần thực hiện củng cố, nâng cấp để đảm bảo an toàn chống lũ thiết kếvà phấn đấu chống được lũ cao hơn. Cụ thể, hệ thống đê sông cần được tôn cao, mở rộng đủ cao độ, mặt cắt thiết kế, xử lý dứt điểm những trọng điểm xung yếu vềnền đê, thân đê, cải tạo mặt đê, cơ đê thành đường giao thông phục vụ dân sinh, kinh tế, sửa chữa, xây dựng mới các cống dưới đê, đồng thời đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm tăng cường cho công tác quản lý đê. Thực hiện Chương trình Nâng cấp đê sông của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bao gồm các tuyến đê thuộc các xã Nguyễn Huệ, Bình Dương, Hồng Phong thị xã Đông Triều. Hiện nay, dự án nâng cấp đê sông phường Hồng Phong đã được triển khai và hoàn thiện. Quy hoạch đề xuất nâng cấp 2 tuyến đê thuộc các xã Nguyễn Huệ, phường Bình Dương thị xã Đông Triều.
Phương án phát triển tuyến đê cấp IV, V, đến năm 2030, Quy hoạch đề xuất tiếp tục cải tạo, nâng cấp và xây mới tuyến đê cấp IV, cấp V bảo vệkhu công nghiệp đô thị Đầm Nhà Mạc và các khu đô thị khác theo Quy hoạch đã được phê duyệt.
Năm 2022, toàn tỉnh đã hoàn thành chương trình nâng cấp đê biển với 17/20 dự án (3 dự án không thực hiện nâng cấp do chuyển đổi mục đích sử dụng đối với khu vực bảo vệ và khu vực phía biển của tuyến đê nên không cần thiết đầu tư xây dựng). Đối với đê sông đã triển khai 1/3 dự án. Các tuyến đê cửa sông, đê biển trên địa bàn tỉnh hầu hết đều đã có cây chắn sóng bảo vệ với mật độ mau, thưa khác nhau; chiều rộng bãi cây chắn sóng trong khoảng từ 10m-200m; nhiều tuyến đê có hệ thống rừng chắn sóng phát triển rất tốt, cây chắn sóng được mọc và phát triển lâu đời.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, nhiều tuyến đê sau khi được nâng cấp, tăng khả năng chống chịu bão lên cấp 9, số còn lại khả năng chống bão từ cấp 6-8, tần suất triều cường từ 5-10%. Đê Hà Nam là tuyến duy nhất của tỉnh đạt tiêu chuẩn đê cấp III, hiện toàn tuyến đã được nâng cấp tổng thể và có khả năng chống bão cấp 10.
Lê Hồng
Bình luận