Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 19:01
Chủ nhật, 10/07/2022 15:07
TMO - Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh chú trọng hoàn thiện các giải pháp về công trình trong phòng chống thiên tai, đồng thời xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp bền vững trước tác động lớn từ biến đổi khí hậu.
Trà Vinh là tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 69% diện tích có nguồn gốc mặn, phèn, lại ảnh hưởng của triều biển Đông, hàng năm bị nhiễm mặn với thời gian kéo dài từ 3-6 tháng và có xu hướng ngày càng lấn sâu vào nội đồng gây khó khăn cho sản xuất.
Thời gian qua, địa phương này chú trọng đầu tư các công trình trọng điểm hư cống Rạch Rum, Mỹ Văn, Bông Bót, Dinh An (huyện Cầu Kè), trạm bơm kênh 3 tháng 2 (huyện Tiểu Cần - Trà Cú), công tác nạo vét thủy lợi tại các tuyến kênh trục... góp phần phục vụ điều tiết và tích ngọt trong sản xuất nông nghiệp.
Cống đập Láng Thé, công trình thủy lợi kiểm soát ngăn mặn-trữ ngọt hiệu quả tại tỉnh Trà Vinh
Bên cạnh đó, việc triển khai khôi phục, phát triển trồng rừng ngập mặn, ven các cửa sông lớn, bãi bồi đã hạn chế tình trạng sạt lở, bảo vệ các vùng đệm, vùng có nguy cơ cao về sạt lở hàng năm trên huyện Duyên Hải, Châu Thành, Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải. Đồng thời, tỉnh duy trì thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ phân vùng sản xuất nông nghiệp địa bàn tỉnh trong điều kiện BĐKH đến năm 2030”.
Tổng mức đầu tư trên 4.350 tỷ đồng để triển khai thực hiện các hạng mục dự án: hạng mục công trình đê, kè với 16 công trình; hệ thống cống với 28 công trình; hạ tầng thủy lợi phục vụ thủy sản với 09 công trình trên địa bàn huyện Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải, huyện Châu Thành và Trà Cú; hồ chứa nước dọc sông Láng Thé (giai đoạn 1 và giai đoạn 2).
Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh tiếp tục triển khai mô hình trồng rừng, gây bãi bồi góp phần chắn sóng, sạt lở tại các địa phương vùng ven biển trong tỉnh được phát triển và nhân rộng. Trong đó, mô hình trồng rừng, bảo vệ rừng trong cộng đồng đã phát huy hiệu quả; không chỉ mở rộng và phủ xanh diện tích rừng, còn góp phần bảo vệ các vùng xung yếu ven biển có nguy cơ sạt lở cao.
Trong 5 năm trở lại đây, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện trồng mới được 360ha rừng, nâng tổng diện tích rừng toàn tỉnh hiện có 9.492ha (đứng thứ 06 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long), tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,04% (tăng hơn so với năm 2016 là 0,74%).
Tỉnh Trà Vinh tăng cường phối hợp triển khai các dự án trồng mới, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn tại địa phương
Với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực giao khoán bảo vệ rừng; tỉnh còn hỗ trợ thêm một phần kinh phí cho người dân trong việc tham gia giao khoán bảo vệ rừng nhằm khuyến khích, tạo động lực để người dân cùng tham gia thực hiện. Đến nay đã có 100% diện tích rừng được giao khoán, bảo vệ từ cộng đồng; góp phần hạn chế xói lở, chắn gió, bảo vệ bờ biển, ổn định môi trường sinh thái cho sản xuất nông nghiệp.
Đến cuối tháng 6/2022, toàn tỉnh đã thực hiện giao khoán bảo vệ 3.534ha rừng; thực hiện chăm sóc 310ha. Riêng 02 huyện Cầu Ngang và Châu Thành, hiện có 1.414,12ha rừng; trong đó, có 780,26ha rừng trồng và 633,86ha diện tích rừng tự nhiên.
Bên cạnh những giải pháp về công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đang triển khai kế hoạch xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp với các mô hình trồng trọt kết hợp nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo kế hoạch, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ đầu tư hỗ trợ chuyển đổi sản xuất tập trung tại 3 vùng trồng lúa hiện hữu bấp bênh, kém hiệu quả kinh tế do bị tác động xấu biến đổi khí hậu về hạn, mặn. Cụ thể, vùng sản xuất tại 2 xã đảo Long Hòa, Hòa Minh, huyện Châu Thành, có diện tích đất nông nghiệp khoảng 4.630 ha của hơn 5.900 hộ dân chuyên trồng lúa 1 vụ lúa chuyển sang 1 vụ lúa hữu cơ - 1 vụ tôm.
Vùng sản xuất tại các xã Thuận Hòa, Mỹ Hòa, Vinh Kim, Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, có diện tích đất trồng lúa 1 vụ bấp bênh khoảng 1.000 ha của 1.800 hộ dân được chuyển sang 1 vụ lúa hữu cơ - 1 vụ tôm.
Vùng sản xuất xã Long Khánh, huyện Duyên Hải và xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải có diện tích đất nuôi tôm quảng canh và bán thâm canh khoảng 1.500 ha của hơn 1.000 hộ dân thường bị rủi ro thua lỗ được chuyển sang mô hình tôm - rừng để đảm bảo hiệu quả bền vững..
Trà Vinh xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp bền vững trước biến đổi khí hậu, trước mắt là mô hình lúa-tôm
Tại các vùng được bố trí chuyển đổi sản xuất sẽ được ngành nông nghiệp tỉnh đầu tư đảm bảo về thủy lợi phục vụ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông dân được nâng cao năng lực quản lý, trồng trọt, nuôi thủy sản với phương thức kỹ thuật tiên tiến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm sạch với giá trị tăng cao từ 10 - 15% so với sản phẩm sản xuất bình thường.
Để từng bước nâng cao năng lực phòng, tránh thiên tai trước BĐKH, Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh vừa qua đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT ưu tiên cho địa phương này tham gia các dự án như: Dự án “Khôi phục và Quản lý bền vững rừng ven biển khu vực ĐBSCL nhằm tăng khả năng thích ứng với BĐKH” dự kiến vay vốn ADB, với tổng mức đầu tư là 285 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi là 271 tỷ đồng.
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp thích ứng với BĐKH vùng ven biển ĐBSCL dự kiến vay vốn ADB, với tổng mức đầu tư cho Trà Vinh là 1.121 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi là 813 tỷ đồng. Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và chuyển đổi sinh kế vùng ĐBSCL phát triển bền vững và thịnh vượng” dự kiến vay vốn WB, với tổng mức đầu tư là 935 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi là 605 tỷ đồng… nhằm nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Hương Giang
Bình luận