Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/09/2024 11:09
Thứ ba, 03/09/2024 07:09
TMO - Trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó tạo nền tảng trong phát triển du lịch tại địa phương.
Trà Vinh là tỉnh Duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa Sông Tiền và Sông Hậu; tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Biển Đông. Là tỉnh được đánh giá có nhiều tiềm năng du lịch, trong đó du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh là một trong những sản phẩm khác biệt của Trà Vinh so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là vùng đất gắn bó lâu đời của 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer cùng những di tích lịch sử, kiến trúc là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hóa tâm linh.
Thời gian qua, Trà Vinh đang hướng đến cộng đồng dân tộc Khmer để xây dựng đời sống văn hóa gắn với các yếu tố bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch phát huy bản sắc văn hóa nội địa. Phát huy những lợi thế về văn hóa Khmer, tỉnh Trà Vinh đã khai thác để mời gọi du khách đến trải nghiệm và khám phá.
Trà Vinh phát huy giá trị văn hóa của địa phương trong phát triển du lịch.
Đến Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh, du khách được trải nghiệm chuỗi liên kết khu du lịch di tích danh thắng Ao Bà Om; di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Âng; Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer; đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, thưởng thức âm nhạc từ dàn nhạc ngũ âm, múa trống Chay dăm, các điệu múa dân tộc, tham quan làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ, tham quan tìm hiểu và cùng nghệ nhân chế tác mặt nạ truyền thống, thưởng thức các món ăn đặc sản dân tộc Khmer...
Phong tục, tập quán và lễ hội của đồng bào Khmer gắn liền với cuộc sống sản xuất, sinh hoạt gia đình, cộng đồng và xã hội; gắn liền với đạo đức, lối sống, ước nguyện của con người trong cuộc sống. Đồng bào Khmer ở Trà Vinh có 11 lễ hội cổ truyền, gồm: Lễ vào năm mới (Pithi Chol Chnam Thmay), lễ cúng ông bà (Pi thi Sen Đon ta), lễ cúng trăng hay Đút cốm dẹp (Ok Om Bok), lễ cúng Neak ta, lễ Kathina (dâng y cà sa), lễ nhập hạ, lễ xuất hạ, lễ kết giới chính điện, lễ an vị tượng Phật, lễ đặt cơm vắt và lễ Phật đản và 7 loại hình nghệ thuật cổ truyền.
Những năm qua, Trà Vinh đã chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, tỉnh đã đề ra nhiều định hướng quan trọng để bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa. Trong đó, có lễ Vu lan Thắng hội, một di sản mới được công nhận đưa vào di sản phi vật thể cấp quốc gia. Theo đó, ngành văn hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa thông qua các sự kiện, hoạt động lễ hội, đồng thời, tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, gia đình và nghệ nhân trong việc tổ chức truyền dạy, trình diễn và quảng bá lễ hội.
Ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã không ngừng phát triển các tuyến điểm du lịch mới để thu hút du khách. Tuyến du lịch văn hóa cộng đồng “Thành phố Trà Vinh - Làng Văn hóa Du lịch Khmer - Cồn Chim” đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, các tuyến du lịch sinh thái như “Thành phố Trà Vinh - Làng Văn hóa Du lịch Khmer - Cồn Hô”; “Thành phố Trà Vinh - Cầu Ngang - Cồn Ông - Biển Ba Động” mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ về thiên nhiên và văn hóa.
Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: Hiện Trà Vinh có 30 thiết chế văn hoá, thể thao ấp được đầu tư; 1 công trình văn hóa phi vật thể và 1 lễ hội được phục dựng, bảo tồn; 1 làng truyền thống phục vụ phát triển du lịch; 1 mô hình văn hóa truyền thống được xây dựng, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian được thành lập; 1 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng.
Ngoài ra, còn có 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Chhay dam, 35 đội múa chằn, khỉ, trên 100 đội nhạc tân, 40 đội bóng chuyền, 8 đội ghe Ngo; 1 tờ báo và 2 nội san xuất bản bằng tiếng Khmer; 1 chương trình phát thanh và 1 chương trình truyền hình tiếng Khmer; 1 đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh... cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của đồng bào và du khách mỗi khi đến với Trà Vinh.
Bên cạnh đó, các liên hoan nghệ thuật quần chúng Khmer, các hội thi trình diễn trang phục dân tộc, hội diễn… cũng được tổ chức thường xuyên. Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer đã sưu tầm, hệ thống hóa, trưng bày trên 1.000 hiện vật thể hiện rõ nét văn hóa, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán của đồng bào Khmer.
Năm 2023, tỉnh đã thu hút 2,1 triệu lượt khách, tăng 49,72% so với năm 2022, mang lại doanh thu hơn 1.700 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2024, tổng lượt khách đạt hơn 1,5 triệu, tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng. Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã xác định loại hình du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa, mang nét đặc trưng văn hóa Khmer là sản phẩm đặc thù có sức cạnh tranh cao.
Tỉnh Trà Vinh tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong những năm qua tỉnh Trà Vinh đang triển khai công tác sưu tầm, hệ thống hóa các hiện vật có liên quan, xây dựng kịch bản thống nhất đối với những nội dung cơ bản nhất của Lễ hội Đom Lơng Néak Tà để triển khai đến các Ban Quản trị Miếu Néak Tà trên địa bàn. Tỉnh hỗ trợ, phục dựng hoạt động Lễ hội Đom Lơng Néak Tà tiêu biểu nhất, hướng đến hình thành tài nguyên du lịch nhằm gắn với sự phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng.
Những năm qua, cùng với việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, Trà Vinh luôn chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer địa phương được nâng cao đáng kể. Tại Trà Vinh, các cấp ủy, chính quyền luôn tạo mọi điều kiện để đồng bào Khmer giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể.
Hồng Thắm
Bình luận