Hotline: 0941068156
Thứ năm, 24/04/2025 06:04
Thứ hai, 21/04/2025 11:04
TMO - Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn mà còn tăng cơ hội đưa nông sản Tiền Giang đến với những thị trường khó tính.
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có trên 82.00 ha diện tích vườn cây ăn trái với sản lượng 940.570 tấn, trong đó có nhiều loại trái cây đặc sản có giá trị xuất khẩu cao như: sầu riêng, thanh long, xoài, mít...Trong quý I/2025 địa phương này đã xuất được hơn 7.800 tấn rau quả, với kim ngạch đạt 18,73 triệu USD; trong đó, xuất khẩu sầu riêng qua thị trường Trung Quốc chiếm trên 34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, tính đến đầu tháng 4 năm nay, toàn tỉnh hiện có 466 mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu với tổng diện tích trên 28.400 ha; trong đó có 155 mã số vùng trồng sầu riêng với gần 7.000 ha, 97 mã số vùng trồng thanh long với hơn 6.250 ha, 68 mã số vùng trồng mít với 8.500 ha... phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cùng các quốc gia khác.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng. Chính vì vậy, mã số vùng trồng được coi là "tấm vé thông hành" của nông sản. Khi có vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ có điều kiện thuận lợi để đến với các thị trường; đặc biệt đối với xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Tiền Giang đã hình thành các vùng chuyên canh tại huyện Cai Lậy, Cái Bè...
Tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo hiện đã được cấp 64 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 2.030ha (chiếm 30,7% diện tích thanh long của huyện), các mã số xuất khẩu đi thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand. Đây được coi là giấy thông hành quan trọng để thanh long Chợ Gạo nói riêng cũng như của tỉnh Tiền Giang có thể thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường khó tính trên thế giới.
Địa phương này xác định việc cấp mã số vùng trồng thanh long có vai trò quan trọng trong phục vụ xuất khẩu. Cán bộ kỹ thuật đã tích cực hướng dẫn cũng như khuyến cáo nhà vườn trồng thanh long tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trong sản xuất để đáp ứng các yêu cầu của việc cấp mã số vùng trồng nhằm tạo điều kiện cho trái thanh long được xuất khẩu đi các nước thuận lợi hơn.
Đối với sầu riêng, Tiền Giang đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung ở các huyện, thị xã phía Tây của địa phương với khoảng 24.500ha sầu riêng ở huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy… Trong đó có 16.000ha đang cho thu hoạch cùng sản lượng trên 320.000 tấn trái/năm.
Thời gian qua, huyện Gò Công Tây xây dựng và phổ biến quy trình tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và các tài liệu hướng dẫn theo Công văn số 262/CCTT&BVTV-NV ngày 16/4/2024 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang đến các xã, tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng góp trên địa bàn huyện.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn, thiết lập mới và duy trì các vùng trồng đã được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn huyện; quyết toán kinh phí tư vấn giám sát vùng trồng trên địa bàn huyện năm 2025. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho hộ sản xuất trong vùng được cấp mã số, trọng tâm hướng dẫn nông dân áp dụng Quy trình sản xuất, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn, sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất và tiến hành bao trái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Khuyến khích mở rộng, liên kết sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh tạo vùng sản xuất cung cấp hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến
Từ đầu năm 2025 đến nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã tổ chức 2 Hội nghị “Phổ biến các quy định liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói và đề xuất giải pháp khắc phục, đảm bảo chất lượng trái cây tươi phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” với 160 lượt người tham dự.
Địa phương này tăng cường quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nhằm nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm soát chất lượng nông sản tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu trong tình hình mới.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai các lớp tập huấn cho các tổ chức, cá nhân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác về vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng mã vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng trên cây trồng, cơ sở đóng gói nông sản ở những vùng sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới; duy trì các điều kiện tại mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương kiểm tra thường xuyên và kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói không đáp ứng các điều kiện theo quy định nước nhập khẩu. Thực hiện giám sát trước vụ thu hoạch 3 tháng theo từng loại cây trồng, sản phẩm đóng gói. Bên cạnh đó, nhập đữ liệu các thông tin liên quan của các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp và chuẩn hóa lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp của tỉnh; đồng thời, cập nhật lên hệ thông cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy thực hiện công tác giám sát đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Luật ATTP và các quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông qua việc kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, Cadimi trước khi xuất khẩu. Giám sát nghiêm ngặt việc ghi chép nhật ký sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đồng thời, thực hiện xác định hàm lượng cadimi tại vùng trồng sầu riêng để xây dựng bản đồ vùng phân bố nhiễm cadimi: Lấy mẫu phân tích: Lấy 115 mẫu đất, 115 mẫu cành lá, 115 mẫu trái sầu riêng tại các vùng trồng (không trùng với các vùng trồng đã lấy mẫu trước đó) tại các vùng trồng trên địa bàn huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.
Đối với các cơ sỏ đóng gói, ngành chức năng cùng các địa phương phối hợp giám sát đảm bảo điều kiện ATTP tại cơ sở sơ chế đóng gói theo quy định của Luật ATTP và các quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm các lô hàng xuất khẩu. Thực hiện ghi chép, cập nhật hồ sơ truy xuất tại cơ sở. Đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc ghi chép hình thức dẫn đến không truy xuất được các vi phạm về ATTP theo quy định của Pháp luật.
Kiểm tra, giám sát việc sử dụng hoá chất xử lý trái cây tại các cơ sở sơ chế, đóng gói theo quy định của pháp luật. Đề nghị xử lý các vi phạm sử dụng hoá chất xử lý trái không đúng quy định. Trên cơ sở kết quả phân tích mẫu đất tại các vùng trồng, Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng bản đồ vùng phân bố nhiễm cadimi tại các vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các giải pháp khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thời gian qua, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây, ngành phối hợp địa phương nâng cao chất lượng, gia tăng số lượng cấp mã số vùng trồng, cơ sở vùng nuôi, cơ sở đóng gói, bao bì.
Đến nay, đã cấp 8.052 mã số vùng trồng, 1.596 mã số cơ sở đóng gói; riêng năm 2024, đã cấp 1.194 mã số vùng trồng, 175 mã số nhà đóng gói cho các loại quả tươi: thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen...Tuy nhiên, cùng với cấp mới, cơ quan chức năng cũng thu hồi 139 mã số vùng trồng, 192 mã số cơ sở đóng gói vì vi phạm các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm…
Trước tình hình trên, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản đến Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố; các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng; đại diện các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói về tăng cường quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Theo đó, để tăng cường quản lý chất lượng của các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam và bảo đảm việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và ATTP của các nước nhập khẩu. Đồng thời, tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát từ nước nhập khẩu, thậm chí là dừng ngành hàng, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố tiếp tục bố trí nguồn lực để thực hiện kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Yêu cầu các vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và thực hiện truy xuất nguồn gốc như một điều kiện bắt buộc trong việc cấp và duy trì mã mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo yêu của nước nhập khẩu. , nhằm hỗ trợ các vùng trồng, cơ sở đóng gói trong việc bảo vệ mã số của mình, đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường thông báo và hướng dẫn cho chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói biết trong trường hợp không trực tiếp xuất khẩu mà cho phép các tổ chức, cá nhân khác xuất khẩu sản phẩm từ vùng trồng, cơ sở đóng gói của mình gửi văn bản thông báo về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được giao việc cấp và quản lý mã số về dự kiến khối lượng xuất khẩu từ vùng trồng trong năm và tên đơn vị xuất khẩu.
Sau khi nhận được văn bản thông báo của chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tổng hợp và gửi báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật, đồng thời cập nhật trên cơ sở dữ liệu để các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng lấy cơ sở làm thủ tục kiểm dịch thực vật. Đối với chủ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhằm hạn chế các trường hợp giả mạo, gian lận trong sử dụng mã số xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị chủ cơ sở đóng gói và cơ sở đóng gói trong trường hợp không trực tiếp xuất khẩu mà cho phép các tổ chức, cá nhân khác xuất khẩu sản phẩm từ vùng trồng và đóng gói tại cơ sở đóng gói của mình chủ động gửi thông báo bằng văn bản về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh./.
Đức Minh
Bình luận