Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ hai, 05/08/2024 13:08
TMO - Thời gian gần đây, dịch bệnh sâu đầu đen tại tỉnh Tiền Giang bùng phát trở lại làm nhiều vườn dừa bị giảm năng suất, một số cây chết phải đốn bỏ. Ngành nông nghiệp cùng nông dân đang khẩn trương thực hiện các giải pháp ngăn chặn, phòng trừ sâu đầu đen để bảo vệ vườn dừa.
Huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang hiện có trên 8.124 ha dừa, tăng 5,57% so cùng kỳ năm 2023; trong đó, diện tích dừa đang cho trái 7.035 ha, ước sản lượng thu hoạch trong 6 tháng đầu năm 2024 được 45.025 tấn. Theo các nhà vườn trồng dừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, cây dừa không đòi hỏi công chăm sóc cùng chi phí đầu tư (phân bón, thuốc trừ sâu) như những loại cây trồng khác nên với giá bán trung bình từ 50.000 đồng/chục trở lên là nông dân đã có lợi nhuận tương đối ổn định.
Thời gian gần đây, trước tình hình dịch hại sâu đầu đen phát triển mạnh gây hại hầu hết các vườn dừa tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh dừa lớn nhất của tỉnh, UBND huyện Chợ Gạo đã chỉ đạo ngành chức năng điều tra diện tích nhiễm bệnh, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân triển khai quy trình tạm thời phòng chống sâu đầu đen hại dừa.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo, đến nay, toàn huyện có 216,8 ha dừa bị sâu đầu đen gây hại, tỷ lệ hại - 10%; trong đó, xã Xuân Đông 198,3 ha, xã Hòa Định 16,96 ha, xã An Thạnh Thủy 1,55 ha. Trước tình hình bệnh sâu đầu đen gây hại trên dừa, chủ yếu là dừa lấy dầu, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện yêu cầu các xã, ngành liên quan của huyện tiếp tục thông tin, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cho người dân trên địa bàn huyện được biết và phòng trừ sâu đầu đen ngày 3 lần.
Toàn huyện Chợ Gạo có 216,8 ha dừa bị sâu đầu đen gây hại, trong đó nhiều nhất tại xã Xuân Đông với 198,3 ha.
Cùng với đó là tăng cường công tác tập huấn, phát tờ rơi về quy trình tạm thời phòng, chống sâu đầu đen hại dừa; vận động người dân phun xịt những vườn dừa bị nhiễm nhẹ; đồng thời, đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa có sâu đầu đen gây hại nặng và không có khả năng phục hồi; nuôi ong ký sinh, gia tăng mật số ong ký sinh để phóng thích trong thời gian tới, nhằm quản lý hiệu quả sâu đầu đen trong thời gian dài trên đối tượng sâu hại này bằng biện pháp sinh học bền vững và an toàn, ngăn chặn sự lây lan của sâu đầu đen sang diện rộng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang), sâu đầu đen hại dừa (Opisina arenosella Walker) là loài bản địa và có thể được tìm thấy rộng rãi ở vùng Nam Á như: Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan và khu vực Đông Nam Á. Đây là loài sâu ăn lá nguy hiểm gây thiệt hại và làm giảm đáng kể năng suất dừa. Ngoài ra, nó có thể gây hại trên nhiều loài cây trồng khác nhau như các loài thuộc họ cau, chuối, mít.
Để gây hại trên dừa, sâu đầu đen sẽ ẩn mình trong những đường hầm của lá dừa, lá bị gây hại sẽ bị khô, héo và có màu trắng xám. Khi ăn hết lá già chúng sẽ tấn công dần lên các tàu lá bên trên, thậm chí tấn công luôn cả vỏ trái nếu mật số sâu cao. Sâu đầu đen thích ăn lá trưởng thành từ phần dưới lên trên và cây già hơn cây non. Để phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang khuyến cáo bà con nông dân bảo tồn, sử dụng các loài thiên địch ký sính, bắt mồi để quản lý, tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa như: Ong ký sinh, kiến vàng, bọ đuôi kiềm…
Phun chế phẩm sinh học Bacillus thuringiensis (Bt) (80-100 ml hòa với 20 lít nước), phun đảm bảo ướt đều lá (3-4 lít/ cây), cần phun định kỳ 7-10 ngày/lần. Chế phẩm này có hiệu quả đối với ấu trùng sâu đầu đen, an toàn đối với người, vật nuôi và môi trường. Khi phát hiện sâu đầu đen gây hại, nếu vườn dừa bị gây hại nặng, cần cắt tỉa tiêu hủy tàu lá trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm mật số sâu hại, tăng khả năng tiếp xúc sâu non và tăng hiệu quả của thuốc. Khi sử dụng thuốc phải đảm bảo an toàn cho cá, tôm, vật nuôi. Khi phun thuốc phải đảm bảo thời gian cách ly, đặc biệt trong giai đoạn cây đang mang trái gần thu hoạch để tránh dư lượng thuốc lưu tồn trong sản phẩm.
Theo thống kê, tổng diện tích dừa của tỉnh Tiền Giang hiện nay là 21.654 ha, với diện tích cho trái 18.116 ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng 244.115 tấn/năm. Từ năm 2015 đến nay, diện tích dừa đã tăng 5.749 ha, với tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình 4,5%/năm. Theo thống kê, khi cây dừa vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, nhà vườn trồng dừa thu lợi nhuận trung bình khoảng 91,2 triệu đồng/ha/năm.
Minh Hương
Bình luận