Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ hai, 28/02/2022 16:02
TMO - Tại TP.Đà Nẵng có một tiệm tạp hóa hướng đến mục tiêu không rác thải. Tất cả hàng hóa tại đây đều được trữ trong chai lọ thủy tinh, không sử dụng túi nilon dùng một lần. Khách đến mua hàng tự mang theo túi, chai, lo để đựng hàng và chỉ mua vừa đủ sản phẩm cần dùng, tránh lãng phí.
Nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng), tiệm tạp hóa No Waste To Go của chị Hồ Hoàng Oanh (SN 1985) có vẻ bên ngoài như một tiệm café nhỏ, không gian bày biện bắt mắt với hàng loại những chai lọ đựng hàng hóa được xếp ngay ngắn trên các kệ gỗ.
Bén duyên với môi trường từ khi còn là học sinh cấp 3, chị Oanh đã chọn xe bus để đi học. Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm tại Đại học Singapore, chị Oanh tham gia nhiều dự án xử lý rác thải tại các địa phương ở Việt Nam. Đến năm 2019, chị quyết định khởi nghiệp với No Waste To Go, mong muốn góp phần nhỏ để hình thành thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng.
Tất cả hàng hóa của tiệm tạp hóa đều được chứa trong chai lọ thủy tinh
No Waste To Go có khoảng hơn 400 sản phẩm, tập trung vào các ngành hàng thực phẩm (thực phẩm khô, thực phẩm chế biến, gia vị), hàng tiêu dùng thiết yếu (tinh dầu, nước rửa chén, nước lau sàn, nước giặt, dầu gội đầu, kem đánh răng, mỹ phẩm, bàn chài, đồ gia dụng) với mức giá bình dân, chất lượng tốt. Tất cả các sản phẩm đều là sản phẩm “xanh”, sản phẩm sạch, sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên….trong đó, phần lớn là sản phẩm handmade. Các sản phẩm không đựng trong bao bì nilon, mà được chứa trong các chai, lọ thủy tinh hoặc các can, thùng nhựa (ít và sử dụng nhiều lần) lớn.
Tiệm tạp hóa trở thành không gian quen thuộc với những người yêu môi trường
Thời gian đầu vì khá mới mẻ nên trong khoảng 4 tháng đầu, cửa hàng chỉ bán được cho một vài khách. Nhận thấy người dân chưa quen với việc mua sắm kiểu này, chị Oanh tích cực tham gia các hội nhóm về môi trường, mang gian hàng tại các phiên chợ nông sản sạch để quảng bá.
Với mong muốn khuyến khích mọi người có thói quen mua vừa đủ dùng, cửa hàng thậm chí bán cả 1g bột nghệ, 1 thìa cà ri, 10g tiêu… Theo chị Oanh, nếu người tiêu dùng mua cả gói, nhưng lại không dùng hết, phần thừa còn lại sau khi hết hạn phải đem vứt rất lãng phí, tạo thêm gánh nặng cho môi trường.
Tiệm cũng thu gom các loại rác tái chế
Ngoài gian hàng tạp hóa, tại No Waste To Go còn có góc tái chế, nơi mọi người mang những đồ không dùng nữa (quần áo cũ, sách, hộp, chai, lọ…) để người có nhu cầu đến lấy miễn phí. Tiệm cũng thu gom các loại rác thải tái chế, kết hợp với nhà máy ở Hội An (Quảng Nam) để ép thanh ván, dùng làm bàn ghế, nội thất… Tất cả nhằm giảm nhu cầu mua sắm, kéo dài vòng đời của sản phẩm.
Năm thứ nhất, No Waste To Go cắt giảm được 4.322 bao bì nhựa, túi ni-lon. Đến năm thứ hai, con số này tăng lên thành 10.800 vật phẩm bao bì nhựa, túi ni-lon. Con số này dự báo sẽ tăng trong thời gian đến khi mà chị Oanh đang có lượng khách hàng tăng theo từng năm.
Nguyễn Ngọc
Bình luận