Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ ba, 24/01/2023 06:01
TMO - Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 102 triệu khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế, mang lại nguồn thu 650.000 tỷ đồng. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành du lịch đang đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên nền tảng số nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu trên.
Theo đó, việc truyền thông được triển khai đa dạng trên các website và mạng xã hội. Trong đó, website https://vietnamtourism.gov.vn phục vụ quản lý nhà nước và xúc tiến du lịch. Website https://vietnam.travel chuyên trách quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra nước ngoài. Cùng với đó là hệ thống các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Instagram… góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông tin du lịch Việt Nam.
Từ các kênh truyền thông này, các điểm đến hấp dẫn, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng đã được quảng bá, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước thông qua các video clip, bài viết, hình ảnh đẹp mắt. Ngay sau khi du lịch được mở lại, Tổng cục Du lịch đã tập trung đẩy mạnh chương trình truyền thông với chủ đề “Live fully in Vietnam” để thu hút khách quốc tế và chương trình “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” để thúc đẩy thị trường nội địa.
Nhân dịp SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, ngành du lịch đã tận dụng cơ hội để quảng bá mạnh mẽ hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn tới các đoàn thể thao và du khách quốc tế, góp phần mang lại thành công cho Đại hội. Trong dịp này, Tổng cục Du lịch ra mắt video clip “Việt Nam: Đi Để Yêu! – Let’s shine and live fully” để chào đón bạn bè quốc tế.
Những điểm đến kỳ thú, hình ảnh đẹp về du lịch Việt Nam được quảng bá rộng rãi trên các nền tảng số.
Thời gian qua, ngành du lịch triển khai mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số với sự đồng hành, dẫn dắt của Tổng cục Du lịch. Hệ sinh thái du lịch thông minh đã được hình thành trên cơ sở các nền tảng số cốt lõi của Tổng cục Du lịch như hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel; Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch.
Đồng thời, Tổng cục Du lịch đã triển khai các chương trình hỗ trợ hướng dẫn chuyển đổi số tại nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Giang, Khánh Hòa, Sơn La, Cần Thơ, Kiên Giang, Gia Lai… đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, tháo gỡ “nút thắt” cho các địa phương trong quá trình chuyển đổi số du lịch.
Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như triển khai công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Hoàn thành Cổng thông tin du lịch đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch và thông tin cần thiết khác; tích hợp các ứng dụng tiện ích hỗ trợ khách du lịch, các chủ thể liên quan du lịch. Hoàn thành nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch nhằm đẩy mạnh ứng dụng các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến để từng bước chuyển dần sang mô hình thương mại điện tử trong du lịch (e-tourism).
Xây dựng các sản phẩm được ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để nâng cao trải nghiệm và phù hợp với hành vi tiêu dùng của khách du lịch, trước mắt, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi khách du lịch sau đại dịch COVID-19. Phát triển hệ thống dữ liệu số, cơ sở dữ liệu ngành du lịch làm nền tảng cho xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh. Kết nối, chia sẻ hệ thống thông tin về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Bích Hồng
Bình luận