Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 09:11
Thứ bảy, 28/05/2022 21:05
TMO - Cùng với nhiều diện tích sản xuất cây ăn quả trên cả nước, vùng trồng vải thiều Hải Dương đang cung cấp tới thị trường sản phẩm an toàn, chất lượng. Để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu mặt hàng nông sản này, Hải Dương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khai thác hiệu quả nhu cầu trong nước và tiềm năng tại các thị trường xuất khẩu.
Diện tích vải thiều của cả nước hiện nay khoảng 53.000 ha và sản lượng hàng năm khoảng 360.000 tấn. Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha và sản lượng hàng năm ước khoảng 60.000 tấn. Trong đó vùng vải thiều tại huyện Thanh Hà đã xây dựng thành công thương hiệu tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay vải thiều Hải Dương đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác; kết nối tiêu thụ qua các Sàn thương mại điện tử
Thị trường xuất khẩu của vải thiều Hải Dương tập trung các nước như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á... Tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại tìm kiếm mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.
Tỉnh Hải Dương chú trọng nâng cao chất lượng các vùng trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ảnh: Ngọc Thành
Tuy nhiên, sản xuất vải thiều ở Hải Dương vẫn còn gặp một số khó khăn. Vùng trồng vải tiêu chuẩn xuất khẩu, vải VietGAP lớn, số hộ dân tham gia rất đông nên việc chỉ đạo, triển khai, giám sát nông dân thực hiện các yêu cầu kỹ thuật gặp khó khăn. Diện tích vùng sản xuất vải được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP còn nhỏ so với tổng diện tích trồng.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi khi cung ứng ra thị trường, tỉnh Hải Dương đang đẩy mạnh duy trì các vùng vải thiều xuất khẩu thế mạnh, quy hoạch và mở rộng hợp lý vùng trồng vải theo quy trình sản xuất hữu cơ, GAP, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn OCOP.
Trong niên vụ vải 2022, Hải Dương tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích là 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha, ngoài ra có gần 6000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản.
Hàng năm, tỉnh sẽ đánh giá và cấp chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, cấp mã số vùng trồng vải để truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, chuyển đổi các vùng vải trồng xen giữa giống vải chính vụ với giống chín sớm thành những vùng sản xuất cùng một giống hoặc cùng nhóm giống có cùng thời gian thu hoạch để thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.
Địa phương này đẩy mạnh xúc tiến, tiêu thụ vải thiều trong nước và các thị trường xuất khẩu chủ lực
Bên cạnh đó, để xúc tiến thành công vải thiều đến nhiều hơn các thị trường xuất khẩu tỉnh Hải Dương sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm vải thiều Hải Dương kết hợp với quảng bá xúc tiến du lịch; ứng dụng công nghệ số hóa thông tin sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng tra cứu truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, địa phương này cũng đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp đến thăm vùng sản xuất, bàn biện pháp liên kết tiêu thụ vải; song song với khai thác tốt thị trường truyền thống thì mở rộng các thị trường xuất khẩu cao cấp…
Đức Minh
Bình luận