Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Chủ nhật, 20/11/2022 06:11
TMO - Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa của cả nước và đã phát huy lợi thế là vựa lúa lớn nhất khi đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Trong thời gian tới để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo trong nhóm dẫn đầu của thế giới, các địa phương tại khu vực này cần triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ bền vững chuỗi lúa gạo tại vùng.
Thông tin tại Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tại TP Hồ Chí Minh cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa gạo, diện tích gieo trồng lúa gạo lớn, bình quân hàng năm khoảng 4 triệu ha, chiếm khoảng 56% tổng diện tích gieo trồng cả nước.Sản lượng lúa trung bình của vùng đạt khoảng 24 triệu tấn/năm, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước.
Những năm gần đây, mặc dù diện tích trồng giảm nhưng giá trị lúa gạo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tăng lên nhờ nghiên cứu và phát triển được các giống lúa chất lượng cao, đặc sản. Tỷ lệ gạo chất lượng cao hiện chiếm gần 50%, gạo thơm đặc sản chiếm 30 - 35% tổng sản lượng gạo. Nhờ thay đổi cơ cấu giống lúa gạo mà giá gạo xuất khẩu Việt Nam ngày càng cao, hiện đạt trung bình ở mức 500 USD/tấn.
Cụ thể, so với năm 2015, diện tích sản xuất lúa tại ĐBSCL từ 4,3 triệu héc-ta nay đã giảm xuống còn 3,8 triệu héc-ta, sản lượng đạt gần 3,8 triệu tấn. Nguyên nhân là do chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây ăn trái, nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, do các giống lúa chất lượng cao, đặc sản, nhiều giống lúa chất lượng như ST24, ST25.. đã góp phần gia tăng giá trị ngành lúa gạo.
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển Bền vững Nông nghiệp Nông thôn, cho biết, xuất khẩu gạo những năm gần đây giảm về số lượng, nhưng tăng về giá trị. Các thị trường truyền thống vẫn giữ được, phát triển thêm thị trường mới, thị trường khó tính như EU, Nhật Bản... Cụ thể, năm 2021 xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo, song đạt tới 3,28 tỷ USD, cao hơn so với các năm trước.
ĐBSCL cần tăng cường triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ bền vững chuỗi lúa gạo
Trung tâm Phát triển Bền vững Nông nghiệp Nông thôn, cho biết: Mặc dù sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều tiến bộ, năng suất cao nhưng vẫn còn một số hạn chế như sử dụng lượng giống sạ còn cao, thời gian xuống giống kéo dài, chưa an toàn với né rầy, hạn, mặn và mưa lũ.
Nguồn cung vật tư đầu vào chưa đảm bảo chất lượng, sử dụng cũng chưa tiết kiệm; liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa chặt chẽ và thiếu thốn kho bãi chứa lúa khi vào vụ. Mặt khác, chuỗi liên kết xây dựng thương hiệu lúa gạo ở thị trường nội địa và quốc tế vẫn còn rất ít. Số lượng gạo được bao tiêu trực tiếp thông qua hợp đồng còn hạn chế và tỷ lệ phá vỡ hợp đồng cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ nêu thực trạng việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân tại địa phương không nhiều, đa phần doanh nghiệp sẽ thu mua thông qua bên trung gian như thương lái. Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lúa gạo số lượng ít, nhưng với giá cao hơn hẳn so với thị trường, tạo ra sự nhiễu loạn thị trường và gây nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân.
Do đó, Sở đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương định kỳ công bố giá lúa tươi, lúa khô trong vụ thu hoạch để các đơn vị thu mua và nông dân tham khảo. Qua đó, tránh được sự nhiễu loạn trong thị trường, cũng như tạo dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân.
Cục Trồng trọt tại TP.HCM cho biết thêm, năm 2023, theo kế hoạch, ĐBSCL vẫn duy trì diện tích khoảng 3,9 triệu ha, sản lượng 24 triệu tấn. Đứng đầu là tỉnh Kiên Giang với 710.000ha, tiếp đến là An Giang 622.000ha, Long An 511.000ha, Đồng Tháp 492.000ha, Sóc Trăng 334.000ha… Thời vụ tuỳ thuộc vào mùa nước, nhưng ưu tiêu xuống giống nhanh, kịp thời vụ. Ngoài ra, tiếp tục áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật. Ưu tiên hàng đầu là giảm khối lượng giống gieo sạ. Hiện nay, đã giảm từ 150 kg/ha xuống còn 120 kg/ha, thậm chí nhiều nơi giảm thấp hơn, còn dưới 100 kg/ha.
Về cơ cấu giống, sẽ ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỉ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp. Đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận có năng suất, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã. Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 - 100 kg/ha; tăng cường sử dụng công cụ sạ bằng máy, sử dụng máy cấy; cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, thu hồi rơm, rạ tái sử dụng
Thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, các nước châu Phi trong những tháng tới dự báo sẽ sôi động hơn do ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, tình trạng thời tiết mưa bão, lũ lụt tại các nước xuất, nhập khẩu gạo lớn cũng như nhu cầu nhập khẩu chuẩn bị cho thời điểm năm mới. Giá lúa gạo nội địa dự báo sẽ giữ vững hoặc nhích nhẹ.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng cuối năm và đầu năm 2023 sẽ thuận lợi, giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên. Nếu khai thác tốt các cơ hội từ việc hạn chế xuất khẩu gạo trắng của Ấn Độ và xu hướng mua trữ gạo thay thế lúa mì ở một số quốc gia khác, xuất khẩu gạo cả năm 2022 có thể đạt 7 triệu tấn.
Thu Quỳnh
Bình luận