Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 12:01
Thứ năm, 06/06/2024 07:06
TMO - Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được đánh giá là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. Đồng thời, sản xuất theo hướng hữu cơ giúp tạo ra những sản phẩm tốt, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, trên thế giới hiện có 96 triệu ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó Châu Úc chiếm diện tích lớn nhất là 53 triệu ha. Ở Châu Á, hai nước có diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất là Ấn Độ với 4,7 triệu ha và Trung Quốc là 2,9 triệu ha.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), theo báo cáo của 38 địa phương, đến năm 2023, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ là 75.020 ha (trong đó 82% là đất trồng trọt); đã có 38.780 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận TCVN hoặc theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật Bản; đang chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với 260.725 ha đất trồng trọt; 4.864 tấn sản phẩm chăn nuôi; hơn 23 triệu quả trứng gia cầm.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ tại các thành phố lớn, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh với giá trị gia tăng cao hơn từ 1,5 - 2 lần. Việt Nam cũng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đi các nước với giá trị kim ngạch thu được khoảng 350 triệu USD. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng một số mô hình liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Trong đó, mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại các địa phương như: Sơn La, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế với quy mô 570 ha. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã được nhân rộng lên 1.710 ha và đã hình thành chín hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới góp phần gắn kết giữa ba nhà: Nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học; giá thu mua lúa cao hơn giá thị trường từ 1.200 đến 1.500 đồng/kg, hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường 5,3 triệu đồng/ha. Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ với quy mô 125 ha ở các địa phương là: Hà Nội, Hòa Bình, Lâm Đồng và Đồng Nai, hiệu quả kinh tế thông qua liên kết tăng từ 22 đến 156%...
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được đánh giá là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.
Việt Nam có 11,3 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, diện tích sản xuất hữu cơ mới hơn 170 nghìn, điều này cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta còn rất lớn khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm này ở trong nước và thế giới ngày càng tăng lên. Trung du, miền núi phía Bắc được xem là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, dựa trên sự phong phú về tài nguyên (đất, nước, khí hậu) các chính sách hỗ trợ. Đáng chú ý, trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã định hướng phát triển cho vùng này đến năm 2045 phải “là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện”.
Cùng với các địa phương tại khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Đề án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025; xây dựng bản đồ số các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Đặc biệt năm 2023, Bắc Giang đã ban hành hàng loạt các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn như chính sách liên kết gắn sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, chính sách hỗ trợ nông lâm nghiệp và thủy sản, chính sách hỗ trợ giống, chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP.
Bắc Giang đã xây dựng và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho 6 mô hình điểm trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, đồng thời mở rộng thêm mô hình vải thiều hữu cơ diện tích 10ha, chăn nuôi lợn thịt bằng thảo dược quy mô 20.000 con/năm. Nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn phát triển trên địa bàn Bắc Giang như mô hình chăn nuôi lợn, vịt kết hợp nuôi giun quế; mô hình chăn nuôi lợn, vịt, gà kết hợp sản xuất phân hữu cơ; mô hình lúa – cá, mô hình trồng lúa – trồng nấm – sản xuất phân hữu cơ; mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường, mô hình trồng bưởi hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm...
Qua thực tế đánh giá, các mô hình điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ giá trị kinh tế có thể tăng thêm đến 300%, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn giúp giảm sử dụng nguyên liệu đầu vào từ 10 - 30% so với thông thường. Nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp Bắc Giang phát triển ổn định trong năm 2024. Năng suất lúa vụ chiêm xuân đạt 60,5 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ 0,6 tạ/ha; diện tích lúa chất lượng đạt gần 50% tổng diện tích gieo trồng; vụ vải thiều dù sản lượng giảm nhưng chất lượng được đánh giá tốt nhất từ trước đến nay, giá bán tăng 100 - 200% so với năm ngoái. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng/năm.
Thời gian qua các địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, thuận lợi cho tiêu thụ.
Tuy nhiên theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng còn gặp những khó khăn như: thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, tuần hoàn so với sản phẩm sản xuất theo hướng truyền thống không có sự khác biệt nhiều, nhất là về giá bán.
Quy mô các mô hình còn nhỏ, khó cạnh tranh để đi vào các chuỗi cửa hàng lớn; nguyên liệu, vật tư đầu vào để sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ chưa đa dạng; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn còn hạn chế; cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn chưa thực sự là động lực để khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, sản xuất hữu cơ phải có định hướng dài hạn, càng dài càng có lợi. Qua thực tế tại một số địa phương, có tình trạng người dân thấy chán nản vì bán sản phẩm hữu cơ nhưng doanh thu, lợi nhuận không tương xứng. Họ rất dễ quay lại sản xuất theo phương pháp thông thường thời gian chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
Cụ thể, thời gian chuyển đổi đối với lúa hữu cơ ít nhất là 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu áp dụng sản xuất hữu cơ. Ngoài ra, sản phẩm trong thời gian chuyển đổi không được coi là sản phẩm hữu cơ. Trên cơ sở đánh giá lịch sử sử dụng đất và kết quả phân tích hóa chất (dư lượng kim loại nặng, phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học) trong đất, nước và các sản phẩm thóc, gạo, có thể kéo dài, rút ngắn hoặc bỏ qua thời gian chuyển đổi.
Nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng các cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực, có lợi thế; phát triển đa dạng các mô hình sản xuất hữu cơ có liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ tìm kiếm thông tin, nhu cầu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tăng cường hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế để thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.
Mặt khác, cần xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; ứng dụng công nghệ cao để chế biến sâu, tinh chế tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị cao mang thương hiệu; tăng cường công tác đào tạo chuyên gia chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ ở cả Trung ương và địa phương…/
Lê Vân
Bình luận