Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 03/11/2024 01:11
Thứ tư, 30/10/2024 12:10
TMO - Quảng Nam nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Nam Trung bộ. Với địa bàn rộng, vị trí địa lý đặc biệt tạo nên sự đa dạng về sinh cảnh, Quảng Nam được xếp vào địa phương có tính đa dạng sinh học cao, những năm qua, tỉnh Quảng Nam luôn nỗ lực quản lý, bảo tồn sinh thái, đặc biệt thúc đẩy phát triển ngành du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.
Quảng Nam là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển đặc trưng, có tính đa dạng sinh học cao, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế; là nơi phân bố của các loài quý hiếm, đặc hữu như sao la, hổ, voi châu Á, voọc chà vá chân xám, khướu Ngọc Linh, mang Trường Sơn, sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển... Quảng Nam với 13 kiểu hệ sinh thái đặc trưng cho cả 3 vùng ĐDSH rừng - đất ngập nước và biển.
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam có vị trí du lịch quan trọng, nằm ở trung tâm của tuyến du lịch miền Trung Việt Nam với nhiều loại hình du lịch mang đặc trưng riêng của vùng đất Quảng Nam dựa trên sự phong phú của hệ thống các di sản văn hóa của địa phương. Tuy nhiên trước nhiều tác động có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch, trong đó có thể tác động đến môi trường tự nhiên, môi trường di sản.
Do đó tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều nghị quyết chủ trương phát triển du lịch quan trọng, với quan điểm “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” và xây dựng Bộ Tiêu chí Du lịch xanh, đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch là tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch bền vững.
Từ những nỗ lực cải thiện môi trường du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm dựa trên sự khai thác những giá trị mang tính độc đáo của văn hóa, chủ động phát triển các sản phẩm theo hướng tự nhiên, ưu tiên các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường…
Nhiều địa phương, điểm du lịch của Quảng Nam nhận được nhiều giải thưởng quan trọng, như Làng rau Trà Quế được tổ chức UN Tourism vinh danh là Làng du lịch tốt nhất Thế giới năm 2024 - Giải thưởng sẽ được UN Tourism trao với tháng 11 tới tại Colombia… Theo đại diện Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đa dạng sinh học có ý nghĩa rất quan trọng vì môi trường lành mạnh là yếu tố then chốt đối với sức cạnh tranh của ngành du lịch.
Rừng dừa Bảy Mẫu là một trong những điểm du lịch sinh thái được du khách trong và ngoài nước quan tâm. (Ảnh minh hoạ: Internet).
Biển, đảo, núi, sông và rừng là những điểm thu hút chính đối với khách du lịch trên toàn thế giới. Đa dạng sinh học nằm ở trung tâm của các sản phẩm du lịch dựa trên thiên nhiên - chẳng hạn như ngắm động vật hoang dã, lặn biển hoặc du lịch trong các khu bảo tồn.
Thực tế cho thấy, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, qua đó cung cấp những lợi ích kinh tế - xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng là cách tiếp cận hài hòa và bền vững giữa con người với thiên nhiên, đảm bảo sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động, thực vật.
Đồng thời, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, qua đó cung cấp những lợi ích kinh tế - xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, cung cấp công ăn việc làm, cải thiện sinh kế và góp phần xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch, một mặt, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng; mặt khác, cũng là yếu tố làm biến dạng, làm thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng, đồng thời có không ít tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái.
Sự phát triển nhanh chóng của du lịch ở một số khu vực, tình trạng quá tải điểm đến (như: ở Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm…) đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm vượt quá sức chịu tải của môi trường; gây ảnh hưởng đến các loài động, thực vật, làm mất môi trường sống, kiếm ăn cũng như làm suy giảm các giá trị đa dạng sinh học.
Trong khi đó, các sản phẩm được định hướng đầu tư, khai thác như: du lịch vùng sâm Ngọc Linh, dược liệu, du lịch dưới tán rừng, du lịch hồ thủy điện... trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn đang dừng ở mức khảo sát tiềm năng. Công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư, khai thác loại hình du lịch này vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi do còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách đầu tư, khai thác…
Trước thực trạng trên đòi hỏi chính quyền và người dân Quảng Nam cần chung tay bảo vệ môi trường sinh thái, đối với cấp quản lý nhà nước, cần ban hành, đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp để phát triển du lịch xanh tại Quảng Nam.
Đồng thời tạo nền tảng phát triển hoạt động du lịch gắn với đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như hệ thống và số hóa dữ liệu đa dạng sinh học của tỉnh nói chung và từng ban quản lý, khu, điểm nói riêng để các đơn vị dễ tiếp cận dữ liệu; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp lữ hành; ưu tiên phát triển tour chuyên đề tại một số điểm đến có hệ sinh thái đặc trưng; thiết lập trung tâm cứu hộ và phát triển sinh vật rừng quy mô kèm theo chức năng hỗ trợ phát triển du lịch tại khu vực hợp lý.../.
Đặng Thuỷ
Bình luận