Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 03:01
Thứ năm, 09/03/2023 07:03
TMO - Giai đoạn 2018 - 2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc tháng 1/ 2023 đạt hơn 11 tỷ USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu 7,22 tỷ USD (giảm 24,33%); xuất khẩu 3,87 tỷ USD (giảm 0,96%); nhập siêu 3,35 tỷ USD (giảm 51%).
Hai nguyên nhân dẫn đến đà giảm này là do Tết Nguyên đán kéo dài làm giảm đơn hàng xuất khẩu của một số ngành hàng lớn; lạm phát cao tại nhiều nền kinh tế lớn, giá cả nguyên liệu và hàng hóa tăng dẫn đến nhu cầu mua sắm hàng hóa giảm. Hiện nay, một số mặt hàng thế mạnh, có truyền thống được Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, hạt điều. Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu mạnh rau quả, phân bón các loại và gỗ.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trong quan hệ thương mại nông, lâm, thủy sản Việt Nam – Trung Quốc. Cụ thể, Quảng Ninh là cửa ngõ giao thương với Trung Quốc không chỉ đối với Việt Nam mà là cả khối ASEAN. Còn Quảng Tây là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam, chiếm gần 50% giá trị nhập khẩu. Việc cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng mở cửa thời gian qua là tin vui cho doanh nghiệp và các cơ quan 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết giai đoạn 2018 - 2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, 7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất gồm tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với tỉ lệ 24% khối lượng, 41% giá trị. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu.
Trong đó, Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Cụ thể, Quảng Tây chiếm 6% khối lượng và 11% giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Trung Quốc. Năm 2022, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD. Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây khi chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh bạn. Từ những tiềm năng, thuận lợi đó, VASEP đã đưa ra đề xuất phía Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp với các địa phương Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; Một số nhóm mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê của Việt Nam đều nằm trong số 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc; nhiều mặt hàng như cá tra, cá basa, cá mực, quả thanh long, quả vải, hạt điều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu.
Trung Quốc cũng đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn, trái cây, cà phê của Việt Nam... Ảnh: QH.
Thời gian qua, lượng hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối thông quan này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm. Riêng năm 2021 lượng hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, tăng 157% so cùng kỳ năm 2020; 02 tháng đầu năm 2023 đạt 116.275 tấn tăng 122% so cùng kỳ 2022.
Từ những tiềm năng, thuận lợi đó, nhiều ý kiến đề xuất các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương với các doanh nghiệp, địa phương của Trung Quốc. Cùng với đó là các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng "chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập"; Tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, tận dụng tối đa tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu; Đẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu quy định của nước bạn.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc phối hợp tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 nước giao thương. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo thành phố Móng Cái phối hợp với các đơn vị bên phía Quảng Tây (Trung Quốc) để tổ chức 1 Diễn đàn xúc tiến thương mại ở thành phố Đông Hưng trong thời gian sớm nhất, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 nước có thể thương thảo trực tiếp với nhau, xây dựng các chuỗi cung ứng, xuất khẩu nông sản 2 nước.
Các hiệp hội ngành hàng có nhu cầu xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Móng Cái cần tập hợp lại các vướng mắc và gửi về Cục Chất lượng, Chế biến và Thị trường nông sản để Bộ NN&PTNT làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng 2 nước cũng cần phối hợp, tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về thủ tục hồ sơ cho các doanh nghiệp.
Hồng Hạnh
Bình luận