Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ ba, 12/07/2022 13:07
TMO - Vườn quốc gia Cát Tiên có đường ranh giới dài trải 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, là một trong những khu vực bảo tồn lớn nhất cả nước. Với những giá trị tài nguyên quý giá, đặc hữu, đòi hỏi các địa phương cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn, khai thác bền vững đa dạng sinh học tại khu vực này.
Vườn quốc gia Cát Tiên được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng năm 1992 nằm trên địa bàn 5 huyện gồm: Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai); Cát Tiên, Bảo Lâm (Lâm Đồng); Bù Đăng (Bình Phước), tổng diện tích hơn 71.000 ha, trong đó Đồng Nai chiếm diện tích lớn nhất, gần 40.000 ha. Đặc trưng của vườn Cát Tiên là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới, độ che phủ rừng trên 80%.
Vườn quốc gia Cát Tiên được đánh giá có đa dạng sinh học cao. Khu vực này ghi nhận 1.729 động vật, 1.655 thực vật bậc cao, trong đó hơn 100 động thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam cần được bảo tồn. Vườn quốc gia được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2001 và 2011; Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.
Vườn quốc gia Cát Tiên sở hữu đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Ảnh: Hà An
Nhằm bảo tồn hệ sinh thái đa dạng, trong những năm qua toàn bộ diện tích rừng tự nhiên được Vườn quốc gia Cát Tiên bảo vệ nghiêm ngặt. Để góp phần khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng, nhiều năm qua Ban quản lý đã phối hợp cùng các tổ chức, đơn vị trồng hàng trăm ha rừng, gồm nhiều giống gỗ quý, như cẩm lai, giáng hương và một số cây ăn trái như chôm chôm rừng, xoài rừng, chà là...
Hiện nay, Vườn quốc gia Cát Tiên cũng đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức, đơn vị thực hiện các dự án nghiên cứu về thực vật rừng, động vật rừng, các loài thủy sản, nấm… để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái, phục hồi loài, làm cơ sở cho công tác theo dõi, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.
Trong những năm qua, việc thúc đấy hợp tác bảo tồn được Vườn quốc gia Cát Tiên chú trọng triển khai. Trong đó có Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Dự án nhằm triển khai các hoạt động đồng bộ từ phát triển sinh kế, tăng cường năng lực về quản lý, giám sát đa dạng sinh học, cũng như tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn tại thực địa cũng như truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã.
VQG phối hợp với nhiều đơn vị triển khai trồng, bảo vệ hệ sinh thái rừng tại khu vực. Ảnh: Nam Sơn
Vườn quốc gia Cát Tiên đang duy trì thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức hợp tác rừng Châu Á (AFoCO) với tổng kinh phí 1.232.000 USD.
Dự án được triển khai trong giai đoạn 2021-2025 nhằm cải thiện công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm.
Cụ thể, dự án sẽ thực hiện các hoạt động nhằm các mục tiêu: nâng cao kiến thức, chia sẻ thông tin về giá trị đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và tác động xã hội đến đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên, từ đó đề xuất biện pháp quản lý tổng hợp. Nâng cao năng lực quản lý bảo tồn và thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thử nghiệm các mô hình cải thiện sinh kế bền vững cho người dân sống ở vùng đệm.
Tại tỉnh Đồng Nai, vùng đất ngập nước Bàu Sấu là tiêu biểu cho hệ sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Thời gian qua, địa phương này thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đồng quản lý, kêu gọi sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ và chia sẻ lợi ích tài nguyên vùng đất ngập nước Bàu Sấu.
Các cá thể gấu tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên
Công tác bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật được tỉnh Lâm Đồng thực hiện lồng ghép với bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên. Đặc biệt, nhằm bảo vệ động vật hoang dã tỉnh duy trì hoạt động của Trung tâm cứu hộ VQG Cát Tiên tổng diện tích 66 ha, gồm khu cứu hộ gấu và khu cứu hộ động vật linh trưởng với các phân khu chức năng như khu nuôi nhốt, khu thăm khám chữa bệnh, khu cách ly, khu bán hoang dã tập thích nghi.
Thời gian qua, cùng với việc triển khai các dự án, kế hoạch hành động, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị tài nguyên, Vườn quốc gia Cát Tiên đẩy mạnh tổ chức các chương trình hội thảo tập huấn, nâng cao năng lực về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, qua đó hướng tới việc khai thác, phát triển bền vững hệ sinh thái tại khu vực này.
Minh Phương
Bình luận