Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ tư, 26/01/2022 16:01
TMO - Hiện nay, chuyển dịch năng lượng là yếu tố không thể thiếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), tiềm năng tổng công suất điện mặt trời vùng ĐBSCL có thể lên tới 136.275MW, điện lượng ước tính 216,5 tỷ kWh/năm, nhiều gấp đôi so với 108 tỷ kWh/năm của 14 nhà máy nhiệt điện than dự kiến xây dựng trong vùng. Các địa phương trong vùng đang dịch chuyển dần sang phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời, coi đây là xu thế tất yếu và mang tính bền vững.
Theo các chuyên gia tại Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, ĐBSCL là khu vực có lợi thế về năng lượng tái tạo, 11/13 tỉnh của ĐBSCL có lượng bức xạ mặt trời đạt mức 1387/1534 kWh/năm và thời gian khu vực này có nắng 2.200 đến 2.500 giờ/năm.
Hệ thống pin mặt trời trên hồ thủy điện Đa Mi
Bên cạnh đó, thuận lợi về địa hình và điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5 - 6 m/giây ở độ cao 80 m (chiều cao các cột điện gió hiện đã lắp đặt ở Bạc Liêu), tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển có thể đạt từ 1.200 - 1.500 MW. Việc dịch chuyển sang năng lượng tái tạo đang là xu thế phát triển bền vững của các tỉnh ĐBSCL hiện nay.
Việt Nam là nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Hoạt động nuôi trồng thủy sản chịu tác động mạnh mẽ bởi điều kiện tự nhiên và các yếu tố môi trường, trong đó có biến đổi khí hậu. Ngược lại, nuôi trồng thủy sản cũng gây ra những tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và đóng góp vào sự gia tăng biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cam kết mạnh mẽ Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan.
ĐBSCL đang dịch chuyển dần sang phát triển năng lượng tái tạo, coi đây là xu thế tất yếu và mang tính bền vững
Để thực hiện các mục tiêu trên, nhiều dự án, chương trình về năng lượng đã được triển khai tại vùng ĐBSCL. Mới đây, tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) phối hợp với Tổ chức Bánh mỳ thế giới (BfdW) triển khai Dự án “Chuyển đổi năng lượng để giảm thiểu BĐKH ở Việt Nam” nhằm tăng cường năng lực cho người dân ĐBSCL để xây dựng cộng đồng an toàn, thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế bền vững. Dự án được triển khai trên địa bàn 4 xã An Phúc, Long Điền, Long Điền Đông, Long Điền Tây - huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2023.
Theo đó, mục tiêu cụ thể của dự án nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tại ĐBSCL; Đem lại lợi ích kinh tế cho hộ gia đình nuôi tôm thông qua áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và các mô hình năng lượng tái tạo và giảm lượng phát thải khí nhà kính từ nuôi trồng thủy sản tại 4 xã dự án thuộc huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ tăng cường các chính sách hỗ trợ và tạo kiện thuận lợi để giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở ĐBSCL có ý nghĩa thiết thực đối với địa phương, góp phần tăng diện tích trồng rừng, tiết kiệm kiệm điện, chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Theo đó, dự án được hoàn thành, dựa vào đó làm cơ sở triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Nguyễn Ngọc
Bình luận