Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 26/07/2025 08:07
Thứ năm, 24/07/2025 06:07
TMO - Tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Nam Xuân Lạc, hướng tới khai thác hợp lý tiềm năng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Nhiều mô hình trải nghiệm, khám phá thiên nhiên được triển khai nhằm thu hút du khách, đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Thái Nguyên hiện có ba khu rừng đặc dụng đó là Vườn quốc gia Ba Bể, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ và Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Đây là những khu rừng có tiềm năng lớn để địa phương phát triển du lịch sinh thái.
Các hoạt động như trekking, tham quan hệ sinh thái rừng, tìm hiểu văn hóa bản địa... được lồng ghép trong hành trình du lịch tại các khu rừng trên mang lại trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên cho du khách. Song song với phát triển du lịch, Thái Nguyên yêu cầu các đơn vị khai thác đảm bảo nghiêm ngặt các quy định bảo vệ rừng, không làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và đời sống sinh vật rừng.
Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc có diện tích rừng đặc dụng hơn 10.000 ha. Nơi đây lưu giữ hệ sinh thái bán sơn địa chuyển tiếp, với nhiều loài động thực vật đặc hữu, cảnh quan rừng, núi, thung lũng thơ mộng, xen kẽ là bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Lãnh đạo Ban quản lý Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc cho biết, Khu bảo tồn có 400 loài thực vật, hơn 200 loài động vật, nhiều loại quý hiếm như voọc đen má trắng, vạc hoa. Hiện nay bảo tồn và phát triển du lịch đang được chú trọng, nơi đây có hệ thống gần 20km kè đá, vài chục hầm xuyên núi do thực dân Pháp xây dựng để khai thác khoáng sản từ cách đây hơn 100 năm.
Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc có khí hậu quanh năm mát mẻ, thiên nhiên hùng vĩ.
Ở khu bảo tồn này cũng có 2 thung lũng đẹp, đây là điều kiện rất quan trọng để phát triển du lịch. Nơi đây cũng có mỏ chì kẽm Chợ Điền, được thực dân Pháp khảo sát và khai thác cách đây hơn 1 thế kỷ. Đến nay, những chứng tích như hệ thống cáp tời quặng, đường mòn, hầm xuyên núi để khai thác vận chuyển quặng vẫn còn khá nguyên vẹn. Những điểm du lịch này đã và đang thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu, khám phá.
Trong đề án phát triển du lịch sinh thái đến năm 2030, Nam Xuân Lạc tập trung xây dựng các điểm du lịch như Cầu Mục – Lũng Trang, Lũng Lỳ, kết nối với một số di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên. Năm 2025, khu bảo tồn phấn đấu thu hút nhà đầu tư thuê dịch vụ môi trường rừng. Từ năm 2026–2030, các tuyến, điểm du lịch sẽ được hoàn thiện, tạo doanh thu từ dịch vụ nghỉ dưỡng, trải nghiệm, giáo dục môi trường, góp phần tự chủ tài chính cho hoạt động bảo tồn.
Với tầm nhìn trở thành điểm đến trọng điểm về du lịch sinh thái cấp tỉnh, Nam Xuân Lạc hứa hẹn sẽ là điểm sáng trong bản đồ du lịch Thái Nguyên thời gian tới. Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch sinh thái trong những khu rừng đặc dụng ở một số xã phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn hạn chế do khó khăn về hạ tầng, thiếu nhân lực và hoạt động truyền thông. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hạ tầng giao thông dần hoàn thiện, tuyến cao tốc CT.07 đang được đầu tư, nâng cấp toàn diện, thời gian từ Hà Nội đến trung tâm tỉnh lỵ và các xã có rừng đặc dụng ngày càng nhanh hơn.
Việc phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đang mở ra hướng đi bền vững, vừa tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương, vừa góp phần giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, thúc đẩy chuyển đổi mô hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Trong chiến lược phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2021–2030, ba khu rừng đặc dụng gồm Vườn quốc gia Ba Bể, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ và Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc được kỳ vọng trở thành điểm phát triển xanh mới, hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên cũng như vùng trung du miền núi phía Bắc.
Vùng lõi Khu bảo tồn là khu vực cảnh quan thiên nhiên độc đáo và đa dạng.
Định hướng phát triển du lịch sinh thái tại đây đang được xây dựng theo hướng bền vững, gắn khai thác hợp lý tài nguyên với gìn giữ môi trường và văn hóa bản địa. Mục tiêu đặt ra là tạo ra sản phẩm du lịch thân thiện với thiên nhiên, thu hút du khách yêu thích trải nghiệm và khám phá, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học.
Các hoạt động du lịch sẽ được thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên như tham quan rừng nguyên sinh, tìm hiểu loài đặc hữu, du lịch cộng đồng… Việc phát triển hạ tầng, sử dụng lao động địa phương và tăng cường giáo dục môi trường là những yếu tố cốt lõi trong định hướng này. Nếu được triển khai đồng bộ và kiểm soát tốt, các khu rừng đặc dụng có tiềm năng rất lớn trở thành điểm đến sinh thái hấp dẫn, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương và đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá.
Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn rừng đặc dụng tại Thái Nguyên nói chung và tại Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc nói riêng không chỉ là hướng đi phù hợp với xu thế du lịch bền vững, mà còn là giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ hệ sinh thái rừng.
Để đạt được hiệu quả lâu dài, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, xây dựng sản phẩm đặc thù gắn với từng khu rừng, đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các đơn vị khai thác.
Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ rừng và môi trường của người dân, doanh nghiệp và du khách cũng đóng vai trò quan trọng, đảm bảo phát triển du lịch không gây áp lực lên hệ sinh thái. Với định hướng đúng đắn, Thái Nguyên hoàn toàn có thể trở thành điểm đến sinh thái hấp dẫn, nơi du khách vừa được khám phá thiên nhiên, vừa góp phần gìn giữ màu xanh bền vững cho các cánh rừng đặc dụng quý giá.
Thanh Thảo
Bình luận