Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 23:01
Thứ tư, 19/06/2024 16:06
TMO - Trong số 6 cây cổ thụ đủ điều kiện được công nhận Cây Di sản Việt Nam lần này, TP.Hải Phòng là địa phương có nhiều cây được công nhận nhất.
Mới đây, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp, xét duyệt và công nhận thêm 6 cây cổ thụ ở các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, TP. Hải Phòng đủ điều kiện là Cây Di sản Việt Nam. Trong số 3 tỉnh thành trên, TP. Hải Phòng là địa phương có nhiều cây đủ điều kiện công nhận Cây Di sản nhất lần này với 3 cây gồm 2 cây thị và 1 cây bồ đề.
Cụ thể, cây thị có tuổi đời gần 400 năm tuổi, chu vi thân 2,9m, nằm trong khuôn viên khu vực đền – chùa Thái Bình, thuộc thôn Trấn Nam, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo và cây thị có tuổi đời 250 năm, chu vi thân 7,5m, thuộc Từ đường họ Lê Tước, thôn Giữa, làng văn hóa Trúc Động, xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng
Bên cạnh đó, cây bồ đề trên 200 năm, chu vi thân 12m ở thôn Chanh Chử 2, xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng cũng đủ tiêu chí, điều kiện để công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Tuy nhiên Hội đồng Cây Di sản yêu cầu chủ sở hữu cây bồ đề phải dỡ bỏ tường gạch xây bao, mở rộng không gian sống cho cây, trước khi được công nhận.
(Ảnh minh họa).
Trong lần xét duyệt này tỉnh Ninh Bình và Hà Tĩnh cũng có cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đặc biệt, hai cây cổ thụ của tỉnh Ninh Bình là những cây cao tuổi nhất trong đợt xét lần này và đều là những cây cổ thụ ở Khu du lịch sinh thái Thung Nham, thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Cụ thể là cây đa hơn 1.000 năm tuổi, có chu vi 23m, chiều cao 20m và cây ruối có 2 thân hơn 600 năm tuổi (người dân còn gọi là cây ruối tình yêu) có chu vi thân 3,9m, chiều cao 17m.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, cây muỗm trên 300 năm, đường kính thân hơn 1 mét trong khuôn viên Nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa, ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, đủ tiêu chí được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Tuy nhiên, cũng tương tự như cây bồ đề của TP.Hải Phòng, trước khi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, chủ sở hữu cây phải tiến hành khoan lỗ thấm nước, hoặc dỡ bỏ gạch lát đang bức tử rễ cây, tạo điều kiện cho cây phát triển.
Hoạt động vinh danh, công nhận Cây Di sản Việt Nam góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc cây di sản, góp phần vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn gen quý báu. Đồng thời, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, bày tỏ lòng biết ơn đối với thế hệ cha ông hàng trăm năm trước đã dày công vun trồng, bảo vệ những cây cổ thụ có giá trị văn hóa lịch sử, gắn với đời sống sinh hoạt cho tầng lớp hậu thế.
Thu Phương
Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Theo đó, cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động. Đối tượng dự thi là người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”. Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này.
Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/3/2024 đến hết ngày 30/9/2024. Lễ trao giải được tổ chức vào cuối tháng 11/2024. Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội).
E-mail: [email protected]
Cơ cấu giải thưởng gồm 23 giải:
01 Giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
02 Giải A: Trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải
05 Giải B: Trị giá mỗi giải 5.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
15 Giải C: Trị giá mỗi giải 2.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải
Bình luận