Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 14:11
Thứ sáu, 18/08/2023 13:08
TMO - Trước tình hình xuất khẩu giảm, ngành hàng cá tra tại Đồng Tháp đang đối mặt với nhiều khó khăn như các doanh nghiệp ký kết đơn hàng không nhiều, giá nhiên liệu, vật tư đầu vào tăng,..tỉnh Đồng Tháp hướng đến chiến lược truyền thông xuất khẩu và tiêu thụ nội địa cho ngành hàng cá tra.
Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình xuất khẩu cá tra của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ trên thế giới đều sụt giảm, đã tác động không nhỏ đến ngành chế biến cá tra cả nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết 6 tháng đầu năm 2023, ngành hàng cá tra thả nuôi với diện tích hơn 1.857/1.800 ha thu hoạch được 205.318 tấn. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của tỉnh đạt 112.300 tấn, giảm 27,6% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 297 triệu USD, giảm 39,8% so với cùng kỳ, và đạt 29,7% kế hoạch năm 2023.
Khó khăn hiện nay đối với các doanh nghiệp là thị trường xuất khẩu cá tra sụt giảm, giá bán thấp, sản phẩm lưu kho nhiều... Ảnh: NT.
Trước dịch Covid-19, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của tỉnh đã xuất khẩu sang 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, gồm những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình tiêu thụ cá tra tại hầu hết các thị trường trên thế giới đều sụt giảm, tác động không nhỏ đến ngành chế biến thuỷ sản cá tra. Cùng đó, thị trường xuất khẩu cá tra của tỉnh bị thu hẹp, chỉ còn khoảng trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng sang hầu hết các thị trường đều bị sụt giảm. Đối với thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 26% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh (giảm 57% so với cùng kỳ năm 2022); thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 25,4% (giảm 44%); thị trường EU chiếm tỷ trọng 11% (giảm 14%).
Đầu tháng 8/2023, giá thành sản xuất cá tra thịt trắng trung bình 26.847 đồng/kg, giá bán bình quân 26.300 đồng, người nuôi cá tra lỗ trên 254 triệu đồng/ha/vụ; xuất khẩu cá tra giảm hơn 27%/. Hiện tại, Đồng Tháp có 27 doanh nghiệp với 28 dự án chế biến cá tra phi lê xuất khẩu, tổng công suất thiết kế trên 700.000 tấn/năm, thu hút trên 20.000 lao động; đáp ứng đủ các điều kiện sản xuất an toàn trong nước và quốc tế (BRC, ISO, HACCP,…).
Theo các doanh nghiệp, khó khăn hiện nay của ngành hàng cá tra là thị trường xuất khẩu sụt giảm, giá bán thấp, sản phẩm lưu kho nhiều; chuỗi ngành hàng còn lỏng. Trong khi đó, giá thành nuôi cá tra tăng, nhà máy vẫn phải duy trì sản xuất để giữ chân công nhân có tay nghề, chi phí lưu kho tăng cao, thiếu vốn...
Chính vì vậy, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra trong tỉnh mong muốn ngành chức năng hỗ trợ tiếp cận nhanh và thuận lợi các cơ chế, chính sách ưu đãi; củng cố chuỗi giá trị ngành hàng cá tra; trong đó, có quy hoạch vùng nuôi, kiểm soát và nâng cao chất lượng con giống; tăng cường xúc tiến thương mại, có chiến lược truyền thông cho ngành hàng, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra cũng mong muốn nhận được thông tin thị trường để điều tiết sản xuất. Để giảm chi phí đầu vào, nhất là thức ăn thủy sản, doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu làm thức ăn, tăng diện tích trồng ngô, đậu nành trong nước…
Để giúp ngành hàng cá tra vượt qua được giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra đề xuất tỉnh và các bộ, ngành Trung ương có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đặc biệt, cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng, quảng bá xúc tiến cho sản phẩm cá tra ở thị trường mới, giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng là nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra.
Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra đề xuất tỉnh và các bộ, ngành Trung ương có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 377 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.623,91ha mặt nước. Trong số này, có 80 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với diện tích 670,4ha; 38 cơ sở áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP với diện tích 242,4ha. Bên cạnh đó, có 13 doanh nghiệp chế biến phụ phẩm từ cá tra, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như collagen, dầu cá, bột cá, mỡ cá,… với công suất thiết kế khoảng 350.000 tấn/năm, hàng năm cung ứng ra thị trường trên 80.000 tấn bột cá, mỡ cá; khoảng 1.800 tấn collagen và 17.700 tấn dầu cá.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp đề ra nhiệm vụ đến cuối năm 2023 tiếp tục phát triển đối với ngành hàng cá tra là ngành hàng chủ lực trong nuôi thủy sản, là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phát triển đa dạng sản phẩm có thế mạnh gắn phát triển sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, nghiên cứu chuyển giao quy trình sản xuất đối tượng tiềm năng cho giá trị kinh tế cao góp phần tạo ra giá trị mới và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Để sản xuất, ổn định vùng nuôi cá tra trong tỉnh tỉnh Đồng Tháp đưa ra mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đức Trí
Bình luận