Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 09/05/2025 03:05
Thứ năm, 08/05/2025 15:05
TMO - Sáng 8/5, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” với sự tham dự của gần 52 nghìn cán bộ, đảng viên, người dân đến từ 1.018 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh.
Những kết quả nổi bật
Cách đây gần 80 năm, khi đất nước vừa giành được độc lập, hơn 95% dân số chưa biết đọc, biết viết, “giặc dốt” trở thành một trong ba thứ giặc nguy hiểm, cùng với “giặc đói” và “giặc ngoại xâm”; phong trào “Bình dân học vụ” ra đời với mục tiêu cấp bách là xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho Nhân dân.
Và chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động là một biểu tượng của lòng quyết tâm, ý chí, tinh thần đoàn kết giúp người dân thoát khỏi bóng tối mù chữ, tiếp cận tri thức.
Ngày nay, trong bối cảnh chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu thì không thể không hướng tới một quốc gia số, xã hội số, công dân số toàn diện và toàn trình. Do đó, phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ là một sáng kiến giáo dục, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai; bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu về tri thức mà còn giàu về sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập và phát triển, bởi vì tri thức là chìa khóa, công nghệ là cánh cửa để mở ra một tương lai tươi sáng hơn.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Nhận thức rõ vai trò của việc chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 10/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06 về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, là một trong số ít địa phương trên cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số từ rất sớm.
Sau gần 04 năm triển khai thực hiện, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng; nổi bật là: Tỉnh Thanh Hoá đã hoàn thành trước 05 tháng theo yêu cầu của trung ương về số hóa quy trình nghiệp vụ nội bộ, hồ sơ tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; có 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị sự nghiệp được triển khai chữ ký số;
Toàn tỉnh đã cấp 611.221 chữ ký số cho người dân trưởng thành, đạt tỷ lệ 30,67%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh cung cấp 1.754 dịch vụ công, trong đó có 1.263 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt tỷ lệ 72%. Có 100% cơ sở y tế đã triển khai việc sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng VneID thay thế thẻ BHYT; Chỉ số chuyển đổi số của tỉnh đứng thứ 11 cả nước; tỷ lệ người dân sử dụng căn cước công dân, căn cước gắn chíp điện tử trong khám chữa bệnh đứng đầu cả nước...
Lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh: Đây là phong trào có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang giá trị nhân văn sâu sắc đối với sự phát triển của đất nước và của mỗi địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hóa; thể hiện quyết tâm của cấp ủy, chính quyền trong công cuộc phát triển quốc gia số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát động phong trào “Bình dân học vụ số”.
Để phong trào “Bình dân học vụ số” đi vào thực chất và phát huy hiệu quả cao nhất, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt người đứng đầu, cần tiên phong nâng cao năng lực số, thúc đẩy chuyển đổi số tại cơ quan, địa phương, đơn vị; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để người dân tiếp cận kỹ năng số, dịch vụ, nền tảng số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, động lực của chuyển đổi số.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số, sẵn sàng tham gia học tập, ứng dụng công nghệ trong đời sống hằng ngày, để phong trào “Bình dân học vụ số” trở thành một phong trào cách mạng, toàn dân, toàn diện, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời, phải gắn kết chặt chẽ với các phong trào đang triển khai thực hiện, nhất là phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”; phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”...
Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thực hiện nghi thức bấm nút phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào, với tinh thần “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người”. Chú trọng sử dụng các nền tảng số để chuyển tải thông tin đến mọi người, đảm bảo dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất.
Bên cạnh đó, triển khai các lớp học, khóa học trực tuyến, phổ cập kiến thức số trên nền tảng phù hợp, dễ tiếp cận với mọi đối tượng kết hợp với các lớp học trực tiếp tại các địa phương, giúp mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận tri thức số.
Huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tài liệu học tập và nguồn lực cho phong trào. Phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn; tổ công nghệ số của đoàn thanh niên và các nhóm tổ khác trong việc giới thiệu các nền tảng số.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp xây dựng khung năng lực số và tài liệu phù hợp với từng đối tượng. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần được cập nhật, nâng cao kỹ năng số, dùng nền tảng số hiệu quả. Học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức số phục vụ học tập và bảo vệ bản thân, từ đó lan tỏa cho người thân, gia đình. Người lao động biết dùng thiết bị thông minh để tăng năng suất. Người dân biết dùng các dịch vụ số thiết yếu, dịch vụ công trực tuyến an toàn.
Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” với sự tham dự của gần 52 nghìn cán bộ, đảng viên, người dân đến từ 1.018 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hoá.
Mặt khác, đẩy mạnh các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế, người lớn tuổi, lao động tự do để Nhân dân có thể chủ động ứng dụng công nghệ vào công việc và cuộc sống. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình gia đình số, nông thôn số, thành thị số để lan tỏa kỹ năng số trên địa bàn toàn tỉnh. Đề nghị mỗi người dân cần thi đua tự trau dồi, học hỏi, nâng cao kỹ năng số, để phong trào “Bình dân học vụ số” thực sự trở thành phong trào của toàn dân, toàn diện, mang lại hiệu quả thiết thực nhất.
“Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao nhất, tôi kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, triển khai sâu rộng ngay sau Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” hôm nay, với tinh thần lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và không có ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số phía trước”, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.
Hoài Thu
Bình luận