Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 22:02
Thứ sáu, 14/02/2025 12:02
TMO - Đẩy mạnh chuyển đổi số, thời gian qua ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản cài đặt, sử dụng, cập nhật dữ liệu lên Hệ thống phần mềm "Quản lý chất lượng nông sản - Thái Nguyên".
Thực hiện mục tiêu phát triển thị trường tiêu thụ nông, Thái Nguyên đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung. Cụ thể, tỉnh đã hình thành được vùng sản xuất lúa đặc sản tập trung (trên 2.700ha); các vùng sản xuất chè với diện tích 22,2 nghìn héc-ta, trong đó có khoảng 17,8 nghìn héc-ta áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và tương đương, 5.358ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, 120ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.
Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng được vùng trồng quả tập trung (trên 1.500ha)… với nhiều loại quả như na, nhãn, bưởi, cam, ổi, chuối… Toàn tỉnh có hơn 1.030ha cây ăn quả được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất các loại rau xanh cũng là một lợi thế của Thái Nguyên. Diện tích gieo trồng các loại rau hằng năm của tỉnh đạt trên 15 nghìn héc-ta, sản lượng đạt trên dưới 290 nghìn tấn, trong đó có 1.220ha sản xuất rau tập trung.
Cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung, tỉnh còn cấp và duy trì 88 mã số vùng trồng, trong đó có 56 mã vùng trồng chè; 22 mã vùng trồng lúa, 8 mã vùng trồng cây ăn quả, 1 mã vùng trồng măng tre lục trúc, 1 mã vùng trồng rau. Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, ngành Nông nghiệp cũng đã hỗ trợ gần 1,5 triệu tem dán nhận diện sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với các cơ sở xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trên địa bàn tỉnh (từ năm 2020 đến nay, sản lượng xuất bán đạt 15.000 tấn/năm).
Thực hiện Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp và phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, góp phần phát triển kinh tế số nông nghiệp của địa phương.
Theo đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phần mềm quản lý chất lượng nông sản Thái Nguyên. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 450 tài khoản đăng ký sử dụng phần mềm hữu ích này. Ngoài ra, trên 7.000 cơ sở được cập nhật thông tin, theo dõi, quản lý qua phần mềm (trong đó có trên 70 doanh nghiệp, 380 hợp tác xã, 6.600 hộ kinh doanh cá thể).
Cũng từ việc triển khai phầm mềm "Quản lý chất lượng nông sản - Thái Nguyên", đến nay đã có 185 vùng trồng trên địa bàn tỉnh (với tổng diện tích trên 1325ha cây trồng các loại) được quản lý, theo dõi. Đồng thời, tạo lập 64 sổ nhật ký sản xuất và cập nhật thông tin 65 sản phẩm nông nghiệp lên hệ thống. Hệ thống phần mềm này giúp cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tra cứu được nhiều thông tin bổ ích, như: Quy mô sản xuất, hồ sơ đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Mô hình trạm quan trắc thời tiết thông minh metos, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây chè tại tỉnh.
Thời gian qua, Sở NN&PTNT Thái Nguyên xây dựng, vận hành và đưa vào sử dụng: Hệ thống phần mềm “Quản lý chất lượng nông sản - Thái Nguyên”: Ứng dụng công nghệ số trong quản lý quá trình sản xuất, chế biến; truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ nông sản đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên, quản lý, tập trung vào các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản của tỉnh; Hỗ trợ hơn 01 triệu tem truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QRcode cho các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin về cơ sở, sản phẩm để phục vụ công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.
Phần mềm quản lý cây xanh trên bản đồ số “Thái Nguyên Smart Tree”: Quản lý khoảng trên 8,5 triệu cây xanh gắn mã QR code, cập nhật đầy đủ các thông tin của cây như loại cây, thời gian trồng, tọa độ cây trên bản đồ số, hình ảnh cây trồng. Cập nhật, chỉnh sửa thông tin cây xanh; lấy tọa độ và hình ảnh cây ngay tại hiện trường; tra cứu, tìm kiếm nhanh, tìm kiếm nâng cao; quét mã QR để truy xuất thông tin cây xanh...
Cơ sở dữ liệu số Thuỷ lợi: Xây dựng phần mềm báo cáo nhanh tình hình thiên tai và thiệt hại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nâng cấp, xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, bản đồ số các công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai, phát triển hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai tích hợp thông số tại các trạm đo mưa tự động và hệ thống camera trực tuyến giám sát mực nước tại các điểm xung yếu phục vụ quản lý một số hồ, đập thủy lợi, đê bao, lưu vực sông trên địa bàn tỉnh,…
Cơ sở dữ liệu về xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP: Xây dựng cơ sở dữ liệu các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên môi trường điện tử; triển khai đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP trên hệ thống ocop.thainguyen.gov.vn; Đầu tư xây dựng Hệ thống camera giám sát an ninh; thiết bị chiếu sáng thông minh; điểm wifi công cộng miễn phí cho các xã trên địa bàn huyện Phú Lương;...Chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, giải đáp thắc mắc trực tuyến: Thiết lập kênh Livestream trực tuyến để tuyên truyền, phổ biến, giải đáp thắc mắc, tư vấn hướng dẫn về quy trình kỹ thuật, cơ chế chính sách trong lĩnh vực NN&PTNT...
Để đạt được những kết quả trong Chương trình chuyển đổi, số hoá ngành Nông nghiệp cũng như mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, đáp ứng theo yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh nhằm phát huy phát huy tiềm năng và thế mạnh, cần tập trung giải pháp: Chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền nâng cao các kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các doanh nghiệp, HTX và người nông dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng Internet để tra cứu thông tin, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử; dịch vụ công trực tuyến,…
Tiếp tục số hóa, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp về quy hoạch các vùng sản xuất tập trung; dữ liệu quản lý các hồ chứa, công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai; dữ liệu các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông lâm thủy sản…Đồng thời ứng dụng công nghệ thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, đất đai, các quy trình sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ để giúp người nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và quản lý chất lượng nông sản; chú trọng thực hiện cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, tem truy xuất để minh bạch nguồn gốc và thúc đẩy tiêu thụ nông sản.../.
Hồng Thắm
Bình luận