Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ ba, 09/07/2024 14:07
TMO - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hoá gắn với liên kết chuỗi của các địa phương, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực.
Với 277 làng nghề, làng nghề truyền thống và 240 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao, tỉnh Thái Nguyên tập trung gắn phát triển sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững, qua đó góp phần hoàn thiện các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới.
Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp; rà soát, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để đầu tư phát triển; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, đạt chuẩn OCOP, mang lại giá trị kinh tế cao.
Trong đó, việc phát triển các sản phẩm OCOP được tỉnh Thái Nguyên xem là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã chủ động ban hành các đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP với các chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, điểm giới thiệu và bán sản phẩm...
Sở NN&PTNT Thái Nguyên đã chỉ đạo thực hiện mô hình thí điểm "Phát triển sản phẩm OCOP qua dịch vụ du lịch gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng trên địa bàn xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên"; hoàn thiện hồ sơ mô hình thí điểm "Mô hình xã nông thôn mới thông minh Tức Tranh"; Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm; yêu cầu các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng đối với các sản phẩm OCOP có tiềm năng 5 sao, tham gia đánh giá lại sản phẩm 5 sao; tổ chức ngày hội kết nối cung cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn; hội thảo về thực trạng và giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới...
Tỉnh Thái Nguyên tập trung gắn phát triển sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.
Những năm qua, huyện Phú Bình đã tập trung xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu đó, huyện xác định phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ quan trọng. Huyện tập trung xây dựng các mô hình, các hợp tác xã sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ và xây dựng các sản phẩm có giá trị thương mại cao. Đặc biệt, huyện tích cực hưởng ứng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được huyện triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo các chủ thể tham gia phân hạng, đánh giá sản phẩm. Năm 2022, huyện Phú Bình có 11 sản phẩm đăng ký tham gia chu trình OCOP, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Phú Bình đã có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Theo quy định, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải có ít nhất 1 sản phẩm OCOP trở lên được xếp hạng hoặc tương đương còn thời hạn. Chính vì vậy, trong quá trình hoàn thiện các tiêu chí NTM, các địa phương của TP.Thái Nguyên đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Trên địa bàn TP.Thái Nguyên có 37 sản phẩm OCOP (chủ yếu là chè búp khô), trong đó có 1 sản phẩm được chứng nhận 5 sao, 26 sản phẩm đạt 4 sao, 10 sản phẩm đạt 3 sao. Chương trình đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương đến với các thị trường mới tiềm năng.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, chương trình đã làm thay đổi tập quán sản xuất và phát huy tinh thần sáng tạo của người dân, định hướng người dân đến nền kinh tế thị trường, hàng hóa, mở rộng sản xuất trong khu vực nông thôn TP.Thái Nguyên đã tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương để cùng với các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm...
Chương trình OCOP góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt mục tiêu có ít nhất 20 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; củng cố, nâng cấp, đánh giá, công nhận lại các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng theo nhu cầu của các chủ thể. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp xã, huyện trong triển khai chương trình OCOP, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến cấp xã, xóm; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai chương trình OCOP cấp huyện, xã và chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ thể OCOP về: chuyển đổi số; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; các kỹ năng về quản trị; marketing, bán hàng; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn; xúc tiến thương mại...
Tăng cường chuyển đổi số trong OCOP, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quá trình triển khai thực hiện. Số hóa quy trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên phần mềm; số hóa sản phẩm và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình OCOP.
Đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online),...; hỗ trợ các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ thiết kế bao bì, mẫu mã và in tem, hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; xây dựng website sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm tham gia Chu trình OCOP.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình OCOP có nhiệm vụ trọng tâm là hướng đến khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh ở nông thôn, khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, vùng nguyên liệu, lợi thế so sánh, phát huy vai trò của cộng đồng, giá trị truyền thống để thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm đặc sản, truyền thống và có lợi thế ở địa phương.
Chương trình OCOP cũng giúp từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn giàu bản sắc văn hóa, môi trường xanh và phát triển bền vững. Do đó, Chương trình có sự gắn kết chặt chẽ, là giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là thúc đẩy về tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống... cho người dân nông thôn.
Mai Hương
Bình luận