Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/04/2025 09:04
Thứ ba, 15/04/2025 11:04
TMO - Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 100% doanh nghiệp, hợp tác xã có vùng nguyên liệu chè ứng dụng công nghệ số trong canh tác, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm…
Năm 2024, diện tích trồng chè toàn tỉnh đạt trên 22,2 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 272,8 nghìn tấn. Chè Thái Nguyên đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng được thương hiệu tại các thị trường trong và ngoài nước.
Theo số liệu thống kê đến năm 2024, giá trị của cây chè mang lại cho Thái Nguyên đạt trên 13.000 tỷ đồng, tăng trên 1.000 tỷ đồng so với năm 2022. Theo đánh giá của UBND tỉnh, ngành chè của địa phương này còn đối diện với nhiều thách thức: Thiếu những cơ sở chế biến sâu, hoạt động chế biến còn manh mún, công nghệ chế biến còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, việc kết nối chuỗi giá trị chưa thật sự hiệu quả.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất mà Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 3/2/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030 đề ra, chính là ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè. Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030 oàn tỉnh có 70% diện tích chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; 70% diện tích chè được cấp mã số vùng trồng; 100% số cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh chè và các sản phẩm từ chè đảm bảo quy định an toàn thực phẩm.
Đối với nhiệm vụ này, Thái Nguyên đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi phương thức sản xuất từ canh tác truyền thống sang canh tác áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. Tuyên truyền, hướng dẫn các vùng trồng chè chủ động xây dựng hồ sơ, đăng ký cấp mã số vùng trồng đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đổi mới các loại hình công nghệ, thiết bị chế biến, bảo quản, đa dạng hoá các sản phấm trà, nhất là chế biến dòng sản phẩm trà cao cấp để nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ chế biến sâu tạo ra các sản phẩm từ chè dùng làm thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm để phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp chế biến; ưu tiên thu hút đầu tư nhà máy chế biến tại các vùng sản xuất chè tập trung với quy mô, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Áp dụng quy trình chế biến hiện đại theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu thụ tại các thị trường cao cấp.
Thái Nguyên đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất chè.
Thúc đẩy liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, chú trọng đối với thị trường xuất khẩu sản phẩm cao cấp có giá trị cao; cập nhật, áp dụng những tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất, chế biến đảm bảo phù hợp yêu cầu thị trường, hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu; thực hiện các biện pháp bảo vệ khi tham gia thị trường xuất khẩu sản phẩm trà. Áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến và kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất và chế biến, bảo quản, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm.
Nghiên cứu, phân tích, xác định thành phần các chất có lợi cho sức khỏe, làm rõ những công dụng của cây chè, sản phẩm trà Thái Nguyên, kết hợp với nghiên cứu, đánh giá điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu..., các yếu tố làm nên nét đặc biệt của cây chè, các sản phẩm trà Thái Nguyên; thực hiện công bố, làm cơ sở, tài liệu để truyền thông, ghi trên bao bì sản phẩm... nhằm quảng bá công dụng, tác dụng tích cực của sản phẩm trà Thái Nguyên.
Tập trung triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ đầu tư vào chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm sau chế biến từ chè có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại tỉnh. Nghiên cứu, ứng dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng chè dựa trên nền tảng số và đổi mới sáng tạo.
Tăng cường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước. Khuyến khích xây dựng, công nhận thương hiệu sản phẩm quốc gia. Quản lý, duy trì nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan), chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu Âu (EU) thông qua hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đồng thời tiếp tục mở rộng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” sang các nước khác để tăng cơ hội xuất khẩu sản phẩm trà của tỉnh.
Ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong kinh doanh; xây dựng và triển khai hiệu quả các website thương mại điện tử đế thúc đẩy quảng bá, mở rộng, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm trà và các sản phẩm từ chè Thái Nguyên. Tập trung nâng cao chất lượng, nâng hạng sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP của các địa phương gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh thực hiện 10 đề tài, dự án khoa học và công nghệ liên quan đến cây chè. Trong đó là các đề tài Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên; nghiên cứu phát triển bộ sản phẩm miến dong có bổ sung tinh chất trà xanh Thái Nguyên; nghiên cứu ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm chè Thái Nguyên;
Nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm phân bón vi lượng có bổ sung Chitosan và Xanthan chiếu xạ làm tăng năng suất và chất lượng cây chè Thái Nguyên; ứng dụng khoa học, công nghệ thử nghiệm chế phẩm sinh học khử rêu và phòng trừ bệnh trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên…
Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ đã ký biên bản hợp tác với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến từ các sản phẩm chè Thái Nguyên. Nội dung này đã tổng hợp 20 đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu về sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây chè Thái Nguyên; hiện xem xét, lựa chọn các đề xuất phù hợp để tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện từ năm 2025…/.
Hồng Thảo
Bình luận